BÁNH MÌ SÀI GÒN

Chuyên mục

Bánh mì Sài Gòn mang đặc trưng rất riêng với lớp vỏ vàng ruộm và giòn tan, với cách người bán đặt vào bên trong những miếng chả lụa, dăm bông hoặc xá xíu thịt quay, phết lớp pa tê và bơ mỏng, thêm mấy miếng dưa ghém chua ngọt, xong xuôi bèn bọc giấy, lồng cọng dây thun và cho vào bịch nilon để khách dễ mang đi

Sài Gòn hoa lệ, thành phố có sức phát triển nhanh nhất của đất nước cứ sau vài tháng không gặp lại thay đổi chóng mặt trong mắt người phương xa, nơi hội tụ biết bao phong cách sống, dĩ nhiên sẽ là nơi dung hợp biết bao món ngon quê Việt . Nếu như cách đây khoảng 20 năm, người ta rủ nhau sang Quận 8 ăn tôm hấp nước dừa, về Quận 4 ăn gỏi vịt, muốn thưởng thức vị thơm ngon của lẩu dê thì nhắc tới Lê Văn Sỹ, muốn nếm vị béo ngậy của vịt xiêm thì tất nhiên sẽ xuống Thanh Đa… Các tụ điểm ẩm thực nổi danh đó ngày nay vẫn không khác xưa, chỉ có điều giờ đây nơi nào cũng hiện hữu vô vàn món ăn thuộc đủ vùng miền và sự đa dạng đó tạo thành bức tranh cực kỳ đa sắc trong bản đồ ẩm thực Sài Gòn. Thật khó và cũng là bất khả nếu bảo ai đó chọn ra món ăn tiêu biểu nhất, bởi ở đây hình như món nào cũng là tiêu biểu, dù chúng có nguồn gốc từ Bắc, Trung hay thuần túy Nam bộ. Đã tới Sài Gòn thì sẽ mang hương sắc Sài Gòn, thành phố này không từ bỏ ai và cũng không bài xích bất kỳ điều gì, miễn điều đó được sinh ra để phục vụ nhu cầu cần thiết.

Sữa Bắp Thái Sơn_Bánh Mì Sài Gòn_02

Nhưng giữa những con đường không khi nào tắt tiếng xe, giữa các khối nhà ngày một biến đổi của thành phố, có lúc nào ta chợt nhận ra có những hình ảnh chẳng mấy đổi thay, nhất là vào buổi sáng, khi hàng đàn nữ sinh duyên dáng trong tà áo dài và nam sinh gọn gàng áo sơ mi đạp xe dưới tán cây để tới trường. Những xe bánh mì lấp ló sau gốc cây, những chiếc xe nhỏ nhắn hoặc bán duy nhất bánh mì, những chiếc xe lớn hơn kiêm thêm sữa đậu, nước ngọt và cà phê nhưng đều có điểm chung, đó là luôn tỏa ra mùi thơm quyến rũ của bánh mới nướng, mùi của pa tê cứ thoang thoảng vào không gian đánh thức cái thèm ăn của người mới tỉnh giấc nồng.

Bánh mì Sài Gòn mang đặc trưng rất riêng với lớp vỏ vàng ruộm và giòn tan, với cách người bán đặt vào bên trong những miếng chả lụa, dăm bông hoặc xá xíu thịt quay, phết lớp pa tê và bơ mỏng, thêm mấy miếng dưa ghém chua ngọt, xong xuôi bèn bọc giấy, lồng cọng dây thun và cho vào bịch nilon để khách dễ mang đi. Chỉ ở miền Nam bánh mì mới có dưa ghém chua ngọt, chứ ngoài Bắc thường chỉ ăn cùng pa tê, trứng chiên, giò chả, đôi khi thêm dưa leo xắt mỏng nên thiếu đi cái thanh mát của món điểm tâm quen thuộc này. Ở Sài Gòn các bậc phụ huynh thường cho tiền ăn sáng cho trẻ và tất nhiên những chiếc xe đẩy luôn là nơi lũ học sinh xúm xít trước giờ vào trường. Mỗi xe bánh mì là một sân khấu thu nhỏ, ở đó có tiếng năn nỉ cho thêm chút bơ, có tiếng ngọt ngào nói người bán chỉ làm nửa ổ… Và dù  thế nào đi nữa thì những ổ bánh nhiều hương vị đó vẫn cứ được trao tới tay trẻ thơ bằng tấm lòng chất phác của những người đã quá quen với đám học trò.

Đọc các truyện xưa chúng ta biết bánh mì được du nhập vào Việt Nam theo bước chân của những người lính Pháp, họ tới để cai trị thuộc địa nhưng cũng mang theo nhiều thứ thuộc về văn minh, trong đó cà phê và bánh mì giờ đây đã hóa thành một phần quen thuộc của không chỉ Sài Gòn mà còn trên cả nước. Thời đó còn có cách gọi bánh mì bằng cái tên ngộ nghĩnh là “cơm tay cầm”, sau nhiều biến đổi hóa thành một trong những món ăn đường phố dung dị và cũng phổ biến vào bậc nhất, sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ và những người lao động cần nhiều năng lượng. Bánh mì Sài Gòn có nhiều loại, nhiều cách ăn, khi thì kẹp, khi thì ăn với đĩa bò sốt vang hoặc cà ri, loại nhỏ thì kêu rất hài là bánh mì chuột, lớn hơn chút, mập ú và ngắn thì mang tên bánh mì cóc, còn loại lớn và dài thì không được vinh dự đặt tên dí dỏm như vậy.

Mỗi cửa tiệm bánh mì Sài Gòn lại có độc chiêu riêng để hút khách hàng, nổi danh như tiệm Như Lan hút khách bằng các loại chả lụa, thịt hun khói cắt lát kẹp trong bánh khiến mỗi miếng ăn đều chất chứa vị ngon không thể nào quên. Mấy nhà bánh mới mở mang phong cách Âu cũng vậy nhưng có bí quyết riêng để làm pa tê khiến bánh có vị thơm quý phái. Bình dân nhất vẫn là các tiệm bánh dân sinh, họ nướng bánh theo lối thông thường, kẹp chả lụa hay xá xíu cũng ở mức bình dân nhưng như thế lại hút hồn đông đảo cư dân xóm phố bởi giá cả rất phải chăng.

Với những ai thong thả thời gian, có cái thú nào khi được ngồi trên ghế ven đường, kêu ổ bánh mì kẹp đủ thứ thập cẩm kèm ly cà phê để tận hưởng một buổi sáng mát lành trong thành phố đang dần tỉnh giấc. Bao nhiêu năm đã trôi qua, hình dạng của Sài Gòn đã thay đổi quá nhiều, nhưng ổ bánh mì Sài Gòn dung dị vẫn không bao giờ thay đổi, chúng nuôi dưỡng biết bao thân phận con người và cũng góp phần biến ngàn vạn giấc mơ thành hiện thực.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích