NÉT DUYÊN THẦM KÍN

Chuyên mục

Nói về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tất nhiên ai cũng sẽ nghĩ ngay tới tà áo dài thướt tha và vành nón lá dịu dàng. Nón, vật dụng bất ly thân của người phụ nữ xưa, ngày nay đã phần nào vắng bóng khỏi đời sống chốn phồn hoa nhưng vẫn hiện hữu nơi có bờ ao, sân đình, giếng nước. Nón che mưa nắng, nón để làm duyên, nón che nửa nụ cười e ấp, nón để dấu sau lớp lá trắng tinh khôi ánh nhìn đang ngóng chờ ai. Chẳng ai có thể biết nón hình thành từ thuở nào, chỉ biết trong Wikipedia có viết, nón đã được người Việt cổ chạm khắc hình trên trống đồng Ngọc Lũ, tức từ những ngày đầu tiên của đất nước con người đã biết tết lá, buộc vành, khâu nón để vừa che mưa nắng, vừa làm đẹp cho đời sống của mình.

Nón thì trên cả nước đều cơ bản giống nhau, tròn vành và hình chóp nhọn, chỉ duy nhất miền Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình …xưa chuộng chiếc nón quai thao có hình tròn và phẳng. Nón quai thao còn được lưu truyền tới ngày nay theo điệu hát quan họ, hình ảnh các liền chị xúng xính váy mớ ba mớ bảy, tay cầm nón quai thao hát khúc giao duyên đã trở thành biểu tượng của miền quê quan họ. Đẹp thì tất nhiên là đẹp, nhưng chính vì khuôn khổ và hình dáng của nó mà nón quai thao chỉ hợp với môi trường diễn xướng, dù ở sân đình hay trên sân khấu, còn phục vụ đích thực cho đời sống bình thường vẫn là chiếc nón chóp nhọn mà từ Bắc vào Nam nơi nào cũng có. Nón nhẹ, lại bền, nếu giữ gìn khéo có khi được tới vài năm, chỉ tiếc sau này cuộc sống đi nhanh quá nên nhiều nơi nón dần lùi vào dĩ vãng. Ấy nhưng cứ một chương trình ca múa nhạc cổ nào được tổ chức là chắc chắn người ta gặp lại được vành nón chao nghiêng cùng tà áo dài mang hồn phách Việt, hai vật dụng ấy tôn lên vẻ đẹp thướt tha của người con gái biết bao.

Sữa-Bắp-Thái-Sơn-–-Nét-Duyên-Thầm-Kín-02

Nổi danh nhất vẫn là nón Huế. Đẹp và cầu kỳ, những chiếc nón làm thành biểu tượng của Cố Đô, tỏa đi khắp các miền và trở thành quà tặng trân quý mà người Huế dành cho bạn hữu. Những chiếc nón đẹp nhất đều được hình thành bởi tay người thợ Phủ Cam. Xưa kia có nhiều làng làm nón hơn, nhưng theo thời cuộc nghề ấy cũng dần suy giảm, chỉ còn các nhà ở Phủ Cam theo nghề. Tròn vành vạnh, nhẹ, mỏng tang, nón Phủ Cam có 16 vành mà có người đã ví đẹp như “16 vành trăng”, chỉ có 2 lớp lá nên khi đưa lên cao nhìn vẫn thấy ánh sáng xuyên qua, nhưng rất bền. Bí quyết có lẽ cũng chỉ ở công đoạn chọn lá, kết vành sao cho chắc, khâu cho chắc và đều tay. Nón Phủ Cam mang dấu ấn riêng chính ở những hình cầu Trường Tiền, Phú Văn Lâu, chùa Thiên Mụ được lồng ghép khéo léo vào giữa hai lớp lá, cũng có khi là những đoạn thơ về xứ Huế mộng mơ được cắt bằng giầy ngũ sắc ép bên trong lá. Từ cách làm nón ấy mà nón Huế còn được gọi bằng cái tên thật đẹp, nón bài thơ. Còn gì quyến rũ bằng hình ảnh người con gái Huế nhẹ nhàng dạo bước trên cầu Trường Tiền, tà áo dài khẽ bay và vành nón trên đầu, nửa như phô bày, nửa muốn giấu đi dung nhan thiếu nữ khỏi ánh mắt của giới mày râu..

Sữa-Bắp-Thái-Sơn-–-Nét-Duyên-Thầm-Kín-03

Khác đôi chút là nón làng Chuông gần Hà Nội. Làng nghề hàng trăm năm tuổi cho tới nay vẫn là địa chỉ quen thuộc của dân buôn hàng các tỉnh và cũng là chốn tìm về của giới nhiếp ảnh, bởi cứ từ sáng sớm là chợ đầu làng lại họp, gợi nên cảnh sắc độc đáo vào bậc nhất với hàng nghìn, hàng vạn chiếc nón được xếp cao, bày bán trên khoảng sân chung. Nón Chuông nổi tiếng là bền bởi dùng nhiều lớp lá hơn nón Huế, cũng là vật liệu tre, lá buông, lá nón… nhưng qua tay người thợ, hồn nón sẽ thành hình với khuôn tròn vành vạnh, lớp bọc căng đều, quai nón thướt tha. Đời sống lao động vùng nông thôn khiến chiếc nón thật đắc dụng, che mưa nắng khi làm đồng, làm chiếc quạt khi nghỉ chân dưới bóng cây cao, đôi lúc còn được dùng để khỏa nước ao, nước ruộng và cũng để đựng mấy trái táo, ổi, chuối mà các chị, các mẹ mua về cho lũ trẻ ở nhà. Cách xa tới cả nghìn km nhưng phương thức làm nón cũng không khác là bao, đó là làng Gò Găng ở Bình Định và làng nón Cần Thơ, cái nôi của những chiếc nón được phụ nữ miền Trung và miền Nam ưa chuộng. Tùy vào điều kiện vùng miền mà có nơi dùng lá cọ, chỗ lại dùng lá buông nhưng đều ra thành phẩm là vành nón tròn như vầng nguyệt. Trên các ấn phẩm du lịch, trên truyền hình, hễ nhắc tới Cần Thơ gạo trắng nước trong là người ta nghĩ ngay tới hình ảnh người con gái mặc áo bà ba che nghiêng vành nón, còn thời xưa, biểu tượng của ngành du lịch Việt Nam chính là cô gái Quảng Bình có nụ cười rặng rỡ e ấp bên chiếc nón bài thơ. Nón từ bao đời đã đi vào văn thơ, vào tâm tưởng, thành nỗi nhớ mong của người xa quê khi hướng về nơi chôn rau cắt rốn, thành nỗi nhớ của người yêu thương khi trao gửi cho nhau ước nguyện hẹn thề. Dẫu rằng sau này cuộc sống có biến đổi bao nhiêu, chốn đô thị cao ốc và xe hơi thay thế cho hình ảnh làng quê cũ, nhưng chắc chắn nón lá vẫn sẽ song hành cùng đời sống, bởi bản thân mỗi chiếc nón như chứa đựng đủ mọi đức tính cần cù, đảm đang, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích