RONG CHƠI TRÊN ĐẤT BẮC

Chuyên mục

Chỉ cách Hà Nội chưa đầy một giờ xe chạy nhưng Bắc Ninh vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn những nếp xưa ngày cũ. Chả phải vô cớ mà miền đất này còn có cái tên đầy kiêu hãnh Kinh Bắc. Xưa đây là nơi từng hiện hữu thành Luy Lâu, là thủ phủ hành chính thời Bắc thuộc, cũng là vùng Phật giáo du nhập đầu tiên vào đất Việt… Trải bao vật đổi sao dời, xứ sở tươi đẹp có 49 làng quan họ nối tiếp san sát bên dòng sông Cầu này vẫn là nơi có cách sống vừa dân dã, vừa thanh lịch khiến tao nhân mặc khách phải say lòng.

Lối cư xử của người Kinh Bắc lạ lắm, nó không khách sáo giả tạo, nó cũng chẳng đạm bạc thờ ơ. Với khách qua đường hay họ hàng thân hữu, đã tới đây dường như ai cũng cảm nhận được sự ấm áp mặn mà người địa phương dành đối đãi. Là miền đất đầu tiên mà du khách đi qua nếu muốn tới biên giới phía Bắc, thường đất này ít khi lưu lại bước chân ai quá lâu, bởi đích đến của hành trình sẽ thường là Lạng Sơn, từ đó đi ngang sang Cao Bằng, Hà Giang… Vậy mà trong một lần du hành vô mục đích, những kẻ lãng tử giang hồ chúng tôi chợt bắt gặp một nét vàng son của đời sống văn hóa dân gian ở chốn này. Đẹp như những món đồ sơn thếp cổ kính đã được lau đi lớp bụi thời gian, trang nhã như những pho tượng cổ tới ngày chạp được bỏ khuôn vải đỏ để các cụ ngoài đình làm lễ dục mộc, có được chứng kiến tận mắt và được nếm bữa cơm do chính tay người quan họ làm đãi khách, lúc đó chúng tôi mới hiểu thế nào là tình đất, tình người nơi đây.

Những cô gái Bắc Ninh

Buổi đó chỉ tình cờ lưu lại vào giữa buổi chiều tà, ghé thăm một người bạn vong niên, được anh dẫn tới nhà liền chị sâu trong làng nội. Cánh đồng hoang hoải cuối thu gió lùa se lạnh, căn nhà nhỏ đơn sơ bốn bề tường vách, đồ đạc chẳng mấy đáng giá và chủ nhân thì còn đang mải làm đồng. Tự pha trà, tự trải chiếu ngồi chơi, tới lúc chúng tôi đã chuẩn bị giã từ thì chủ nhân ùa về, rủ theo vài chị khác. Cái lối làm đồng cũng như đi chơi hội, lẻ loi côi cút sẽ rất buồn. Biết tin nhà có khách, các chị bắt vội đám cua đồng, mua vài mớ rau, vài mớ tép đem về rang khế và nấu một nồi canh cua đãi đằng.

Đời lưu lạc rong chơi có món ngon quê Việt nào mà chúng tôi chưa được nếm, từ ba ba om thuốc bắc ở Bắc Giang cho tới khâu nhục lừng danh xứ Lạng, từ gỏi cá nhệch Thanh Hóa cho tới hải sâm nấu kiểu Hong Kong ở Quảng Ninh, so với chúng thì nồi canh cua thật không đáng kể gì về chuyện đắt rẻ. Nhưng chỉ từ miếng đầu tiên, bao nhiêu giác quan bỗng được đánh thức, bao nhiêu cảm xúc cứ tự nhiên dâng trào để buổi chiều tối hôm đó bỗng trở thành nhớ mãi không quên. Không giống với những món canh cua ở các nhà hàng trên phố, càng khác với cái thứ được gọi là lẩu cua đồng đang tràn lan khắp các quán nhậu, thoạt nhìn váng cua dầy thành tảng đặc sệt, nhưng càng ăn càng thấy không phải nấu từ cua. Có tự tay làm cua đồng mới biết vất vả nhường nào, phải rửa sạch, bóc mai, dùng tăm khêu từng chút gạch, rồi giã, vắt nước, cầu kỳ cả buổi mới có được chút gạch vàng tươm mầu riêu trong bát canh. Nhưng ăn canh cua tự làm sẽ cảm nhận được trọn vẹn vị ngọt ngào chân thật như vị phù sa, vị nắng, hương lúa, hương cỏ may cùng hội tụ trong từng miếng ăn quê mùa dân giã.

Rồi cũng tự nhiên như làn gió thổi trên cánh đồng, các chị cất tiếng ca bên mâm cơm đơn sơ dưới mái ngói nhà quê. Lời ca quan họ mượt mà sâu lắng, từng bài tiếp nối theo lớp lang bài bản, khởi đầu bằng lời “mấy khi khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà mời người xơi…”. Chỉ là trà thường rót vào chén sành thô, nhưng cái tình cảm chào đón thật cao quý và sang cả. Rồi những điệu quan họ cổ xưa đã được truyền từ nghìn năm cứ thế mà tuôn chảy bên bữa rượu chiều thu muộn. Lối hát quan họ cổ không cần tăng âm, không đàn sáo, chỉ phát ra từ cổ họng nhưng phải đủ các yếu tố vang rền nền nảy, lời ca cổ xưa với nhiều ngữ điệu và ca từ tưởng như đã thất lạc ngoài đời nhưng trong lời ca quan họ vẫn đầy sức sống. Bài nọ nối bài kia, chỉ có mấy liền anh liền chị mà níu bước chân khách lãng du tới tận đêm khuya.

Còn gì cảm động bằng khi lặng nhìn những người phụ nữ tần tảo miền quê quan họ được trải lòng trong câu hát mà họ đã thấm, đã say từ tấm bé. Chân tay còn lấm bùn, quần áo vẫn là những bộ chuyên dùng để đi làm đồng nhưng khi họ cất tiếng hát, thân phận đàn bà thôn dã bỗng hóa thành các nàng Tấm của cổ tích xưa. Khi đã bước vào canh hát, họ được gọi bằng cái tên liền chị, cũng như đàn ông được gọi là các liền anh. Ánh mắt lúng liếng, từng ngón tay biểu cảm theo lời hát, dù không có trầu têm cánh phượng hay chén rượu đào trước mặt như hình ảnh trong làn điệu mượt mà ấy, chúng tôi nhận thấy chén trà, ly rượu quê cũng trân quý không kém các món mời khách trong cổ tích kia. Thời bây giờ còn đâu nữa thuyền rồng hay song đào, cánh chim phượng ngày xưa cũng đã thành truyền thuyết, nhưng lời ca cổ với những điệu luyến láy đầy thiết tha mong nhớ ấy thì sẽ sống mãi trong cõi nhân gian để chúng tôi lạc mất một phần tâm hồn của mình tại nơi miền quê quan họ.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích