Là người lớn hay trẻ nhỏ, sống ở thành thị hay nông thôn, ai chẳng có những kỷ niệm tươi đẹp về rằm trung thu đầy thơ mộng. Đã từng có trong ký ức những đêm trăng sáng vằng vặc, người lớn sẽ truyền lại cho thế hệ con em những ấn tượng huyền diệu đó để tới lượt lũ nhỏ tiếp tục mong chờ và đón nhận trung thu. Đêm trăng sáng soi rọi đất trời, đêm có chị Hằng Nga và thỏ ngọc xuống chơi với thế gian, không biết từ bao giờ mà con người lại nao nức mong chờ một buổi tối tươi đẹp đến vậy. Niềm chờ mong có lẽ chỉ sau cảm xúc đón giao thừa.
Cõ lẽ cũng là ân huệ của đất trời mà thường đêm trung thu trên khắp cả nước thường trong trẻo. “Tháng tám nắng rám trái bưởi”, thành ngữ đó nói về cái nắng mùa thu, ban ngày đôi khi vẫn khá gắt nhưng cứ tới chiều là những cơn gió hiu hiu lại thổi về, xua tan mệt mỏi, làm khô ráo không gian để ai cũng cảm thấy thêm yêu cuộc sống.
Cỗ trung thu tất nhiên phải có bánh nướng bánh dẻo, có trái hồng ngâm, cộng thêm những món đồ chơi cho trẻ nhỏ. Xa xưa, khi đồ chơi thủ công còn phổ biến, niềm vui bất tận của các em chính là những chiếc mặt nạ vẽ tay, chiếc đầu sư tử làm bằng giấy bồi, gắn râu tóc bằng bông trắng, chú thỏ gõ trống lanh canh hay chiếc tàu thủy làm bằng sắt tây sơn màu xanh đỏ chạy được trong chậu nước… Cùng tiếng trống rộn ràng, trong tiếng hò reo của lũ trẻ trông trăng, tiệc trung thu xưa cũng như nay đều ngọt ngào hương vị của những miếng bánh nướng vàng ruộm và bánh dẻo trắng ngần. Cầu kỳ hơn là chiếc bánh dẻo được chế hình cá chép và bánh nướng hình chú lợn xinh xinh, vừa để chơi, để ngắm và cũng để thưởng thức vị ngọt ngào đậm hương vị mùa thu. Người xưa dùng chữ “phá cỗ” để chỉ việc tối hôm cho lũ trẻ thoải mái lựa chọn bánh trái trên mâm cỗ đủ biết lúc đó vui thế nào. Mỗi năm chỉ có 1 lần dành riêng cho tuổi trăng tròn vui đùa, ai nỡ đâu cấm cản. Trong nhà ngoài ngõ rộn tiếng cười, lũ nhỏ mặc sức chơi đùa theo tiếng trống ngũ liên:
Thùng
thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử đang múa quanh vòng quanh
Trung Thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng đoàn em cất tiếng hát vang
Bởi vui như vậy nên không ai nỡ rầy la em nhỏ khi lỡ ham vui mà ăn thêm vài cái kẹo ngọt, bỏ cả cơm chiều để chạy theo chúng bạn ra sân coi múa sư tử, điệu múa chẳng ai dậy ai nhưng cứ đội đầu sư tử vào là có thể múa tưng bừng. Đó là ngoài Bắc, còn trong miền Nam và miền Trung thì có nhiều đôi lân sư rồng đi khắp nẻo đường để mua vui cho bà con lối xóm. Múa lân sư rồng không thể thiếu ông Địa vác bụng chang bang cầm quạt múa, có Tôn Ngộ Không múa thiết bảng. Không khí tưng bừng đó có người thấy còn vui hơn cả ngày Tết Nguyên đán, bởi ai cũng cảm thấy như được quay về thời thơ ấu khi ngắm nhìn lũ trẻ vui chơi dưới ánh trăng vàng. Càng về khuya, ánh lửa tỏa ra từ chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân càng thêm rực rỡ, đưa tâm hồn như được bay bổng lên tới cung trăng. Mỗi năm một lần, tết trung thu lại khiến lòng người thêm tươi trẻ để thấy cuộc đời còn có biết bao điều thương mến.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.