Thái Sơn Foods

ĐỘC ĐÁO ĐẶC SẢN VÙNG TÂY NGUYÊN

Món-Ngon-Quê-Việt-Độc-Đáo-Đặc-Sản-Vùng-Tây-Nguyên-01

Vùng đất Tây Nguyên không chỉ thu hút du khách bởi những phong cảnh hùng vĩ mà còn là sự bất ngờ trong văn hóa ẩm thực. Những món ăn nơi đây luôn được sáng tạo, chế biến từ các nguyên liệu thiên nhiên, dân dã, tìm đâu cũng có. Trong số đó, muối kiến vàng có lẽ là món ăn độc, lạ hơn hết. 

Nơi các buôn làng, nhiều ông bà cụ cũng chẳng nhớ rõ tự lúc nào dân làng biết dùng kiến vàng để chế biến thành món ăn. Có lẽ là từ thuở cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn. Họ chỉ nhớ mang máng là từ xa xưa đã thấy ông bà mình lúc đi rừng, thỉnh thoảng cũng bắt kiến về làm ra món này, món khác. Bởi kiến vàng không hề độc mà lại có vị chua thanh, mằn mặn, ngậy béo khá ngon miệng. Theo các nhà khoa học thì tuy là một loài vật bé xíu nhưng kiến vàng có giá trị dinh dưỡng khá cao. Trong thư tịch y học phương Đông có ghi chép rằng, từ thời nhà Minh, kiến vàng đã được sử dụng như một thứ thuốc tăng lực hiệu quả cho các bậc vua, chúa trong triều đình…

Những người thợ săn kiến cũng có một số nguyên tắc như chỉ vào rừng bắt kiến chứ không bao giờ bắt kiến trên nương rẫy hay ở gần nhà để đảm bảo vệ sinh cũng như không bị ảnh hưởng của các loại phân, thuốc… Tránh làm ảnh hưởng nhiều đến cây cối vì kiến sẽ bỏ đi, không làm tổ nữa. Nghe kể thì đơn giản nhưng đi bắt kiến vàng là một công việc không mấy dễ dàng vì kiến vàng đốt không chỉ đau mà còn lại ngứa. Cho nên, công đoạn khó khăn nhất để có được món muối kiến vàng chính là hành trình đi săn kiến. Tùy theo thổ nhưỡng, khí hậu của mỗi nơi, đặc thù của từng loại cây mà loài kiến vàng chọn làm tổ ở những độ cao khác nhau. Kiến bắt được nhiều hay ít còn do khả năng phán đoán của mỗi người. Những thợ bắt kiến nhiều kinh nghiệm sẽ dễ dàng nhận biết từ xa cái tổ nào đang có nhiều trứng. Đó là những lớp tơ mỏng màu trắng bạc bao xung quanh, đặc biệt ở ngay miệng tổ kiến. Dưới thấp thì dùng tay, còn trên cao thì thợ phải leo lên cành cây rồi dùng con dao nhỏ gắn lên đầu cây sào mà giật. Cho dù cách nào thì cũng phải lấy tổ một cách nhanh, gọn, dứt khoát vì nếu không kiến sẽ bò hết ra ngoài chẳng còn được bao nhiêu. Tất cả cho vào cái thau nhôm, lựa bỏ đi cành, lá cây, bụi bặm để chỉ còn lại kiến và trứng rồi túm vô bao đem về.

Cách chế biến thường thấy đó là kiến vàng và trứng được trụng sơ qua nước sôi, vớt ra để ráo, đem rang trên chảo nóng đến khi nào chín khô, dậy mùi thơm rồi cho vô cối giã đều tay cùng với muối, ớt xiêm, bột ngọt… Phải giã làm sao để kiến không bị nát nhừ nhưng cần quyện đều tất cả lại thành một. Tùy khẩu vị từng nơi mà người ta có thể gia giảm hay thêm bớt một vài gia vị khác nhau như tiêu, tỏi, chanh, sả, lá é… Muối kiến vàng ngon nhất vào mùa kiến đẻ trứng. Đó là lúc vị chua nhẹ của kiến vàng hòa quyện với vị ngọt bùi, ngậy béo của trứng, vị cay của ớt rừng và vị mằn mặn của muối biển sẽ tạo nên một thứ gia vị lạ miệng, khó quên. Món này thường có mặt trong bữa ăn của đồng bào dân tộc mọi lúc, mọi nơi. Cho dù là trên nương rẫy, trong bữa cơm gia đình hay các buổi đình đám, hội hè… Đơn giản nhất là dùng muối kiến với cơm trắng hay để chấm với rau luộc, xoài xanh, cóc, ổi, thịt nướng, thịt luộc… Tuy nhiên hương vị của muối kiến sẽ khá đậm đà khi ăn cùng thịt bò một nắng. Thịt bò xé từng miếng nhỏ, chấm với muối kiến vàng ăn kèm với rau thơm để cảm nhận cái dai mềm của thịt cùng vị đậm đà, chua thanh của muối kiến, mùi thơm của rau… tất cả những hương vị ấy sẽ làm bạn cứ nhớ mãi không quên. Không chỉ có vậy, muối kiến vàng còn được dùng như một gia vị chính yếu để làm nên nhiều món ngon khác như gỏi kiến vàng đu đủ, bò tái bóp kiến vàng, nấu canh măng, canh lá giang,…

Từ gia vị dùng để đưa cơm của đồng bào dân tộc trong những ngày thiếu thốn, đến nay muối kiến vàng trở nên một Món Ngon Quê Việt độc đáo, thú vị trong lòng du khách xa gần mỗi dịp đến với vùng đất Tây Nguyên trù phú…

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2020 THAI SON FOODS, all rights reserved.  

Exit mobile version