Ngày nay thì chẳng còn gặp trên phố những vạt áo mớ ba mớ bảy, có chăng chỉ còn trong những chương trình biểu diễn ca múa nhạc truyền thống, những dáng áo thướt tha, vành nón quai thao tròn xoe đã đi vào thơ ca, in vào tâm hồn người Bắc qua hàng nghìn năm nay để trở thành một di sản văn hóa không thể nào phai nhạt. Về miền Kinh Bắc mỗi độ xuân sang, cùng tiếng hát quan họ dìu dặt vẳng trên đồi Lim, trong tiếng hát giao duyên, kết bạn, giã bạn khi hờn trách, khi vui tươi, lúc ai oán ngậm ngùi thì hình ảnh các liền chị trong trong phục mớ ba mớ bảy, nón quai thao quàng một bên tay đứng cùng các anh hai, anh ba hát quan họ đã tạo nên một nét văn hóa sâu đậm. Xưa kia, trước khi người Pháp vào Việt Nam, dân tộc Việt đã tạo ra những bản sắc rất riêng của mình, bất chấp mọi nỗ lực đồng hóa từ phương Bắc. Như lời hịch của Vua Quang Trung xưa đã từng tuyến bố: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho để chích luân bất phản…” thì cách ăn mặc, nề nếp cư xử cũng là một lời khẳng định về niềm kiêu hãnh dân tộc, một dân tộc dù trải qua nghìn năm vẫn có đời sống riêng của mình.
Nam giới thì mặc áo dài, vấn khăn xếp, nữ giới thì tới thời nhà Nguyễn đã định vị dáng dấp yêu kiều qua hình ảnh chiếc yếm lả lơi bên trong, từng lớp áo mớ ba mớ bảy che bên ngoài, nhìn vừa kín đáo, vừa có phần khêu gợi. Tất nhiên điều kiện kinh tế ngày xưa vốn chẳng phải dư dả lắm, bởi vậy mỗi vạt áo đều xứng đáng được coi là tài sản đáng quý của một đời con gái, có lẽ chỉ dùng khi lễ Tết hoặc trong buổi vu quy. Cùng với chiếc kiềng bạc, lắc vàng, cùng với sợi xà tích bạc vốn dùng như đồ trang sức hơn là để buộc hộp trầu cau nhỏ nhắn thì tà áo dài Bắc Bộ đã trở thành tiêu chuẩn của thời trang một thời kỳ. Nó vừa duyên dáng trước làn gió thổi khẽ bay vạt áo, vừa nền nã khi thu vén việc nhà. Ở miền quê xưa cũng như nơi thành thị, vạt áo dài vừa dùng để làm đẹp con người, đôi khi lại làm khăn che nắng nâng giấc ngủ trẻ thơ, vừa lại như chiếc khăn tay để người con gái e ấp hẹn hò dưới gốc cau, bên bờ giếng dưới ánh trăng tròn. Trong các bức họa xưa của dòng tranh Đông Hồ vẫn còn lưu lại, người sau biết tới các bà, các chị xưa vẫn thường mặc áo dài hoặc váy trong sinh hoạt đời thường.
Đi vào đến miền Trung, tà áo dài cổ đã được cách tân thành chiếc áo dài truyền thống bó sát thân, vạt trước vạt sau đều xuôn thẳng nhưng đường xẻ rất sâu khiến tà áo được tung bay theo từng bước đi, từng cơn gió thổi. Sau này tất nhiên kiểu dáng áo dài trên cả nước đều đã được biến đổi ít nhiều nhưng dáng áo thì vẫn xoay quanh kiểu áo dài hiện tại. Trong các bức họa, trong các tấm bưu ảnh, dáng hình người con gái áo dài trắng đội nón lá ôm cặp đi tới trường giữa buổi sớm mai đã trở thành giấc mộng thần tiên của biết bao thế hệ thanh niên. Có phải đẹp nhất là hình ảnh những cô gái áo dài tím thướt tha trên cầu Tràng Tiền ở Huế, rồi đám thiếu nữ ríu rít trước sân trường Quốc Học đã khiến bao chàng trai si tình phải ôm mộng làm thơ? Mà đi kèm với áo dài phải là những chiếc nón lá được khâu bởi người thợ Phủ Cam, mỏng tang mà bền chắc, giữa hai lớp lá buông lại ý nhị lồng một tấm hình phong cảnh nên thơ. Về sau ít người dùng nón lá, nhưng nón Huế cho tới nay vẫn là sản vật riêng của miền đất Thần Kinh, được người Huế gửi tặng bạn hữu muôn nơi như một niềm tự hào về thành phố của mình. Trải rộng khắp dải đất miền Trung, nơi nào chúng ta cũng có thể gặp hình ảnh đó và đẹp nhất có lẽ là những buổi tan trường. Với lứa tuổi các mệ, các chị thì chiếc áo dài cũng gắn bó cả một đời, áo dài đi vào giấc mộng, đi vào đời sống, đi vào thơ ca như một nét văn hóa tô điểm cho miền Trung nắng gió thân thương.
Vào tới miền Nam, cũng phổ biến tà áo dài trên thành phố, nhưng quen thuộc hơn lại là tấm áo bà ba ở các miệt quê xa. Thương sao cô gái nhỏ áo bà ba chống xuồng ba lá len lỏi trên dòng kênh. Cũng đáng mến làm sao các mẹ, các chị mặc bà ba quấn khăn rằn, phe phẩy nón lá trông chừng lũ trẻ dưới tán dừa, bên hiên nhà. Miền Nam nắng gió lồng lộng, cuộc sống khẩn hoang xưa đã cải biến trang phục đời thường để các thế hệ chợt nhận ra sự tiện dụng của vạt áo bà ba giản dị. Vẫn duyên dáng ôm sát cơ thể nhưng thật tiện lợi cho hoạt động đồng áng, chăn nuôi. Áo bà ba đẹp một cách dung dị, đơn sơ nhưng gây nhớ thương tới nao lòng cho người đi xa. Áo bà ba đi vào nhạc, vào thơ, vào phim ảnh để tạo cho miền Nam đất Việt một dấu ấn không thể phai mờ. Trong nhà quấn khăn rằn, ra rẫy che nón lá, chỉ vài vật dụng đó thôi đã tạo nên hình ảnh của người phụ nữ miền Nam hồn hậu, chất phác mà cũng thật đảm đang. Thời cuộc biến đổi dù ra sao, trên thành phố hay ở nơi nào đám trẻ thường chạy theo trào lưu hiện đại thì sâu thẳm trong đời sống văn hóa người Việt vẫn âm thầm và mạnh mẽ chảy một dòng văn hóa truyền thống đậm bản sắc, thể hiện ngay từ vạt áo, vành nón lá thân thương.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.