Cùng với chiêng, khánh, trống có lẽ là nhạc cụ cổ xưa nhất của dân tộc. Lễ hội nào mà không vang tiếng trống. Buổi tế thần nào mà không có những bậc trưởng lão trang trọng gõ vào mặt trống để gửi lên bầu trời tiếng gọi thần linh. Đọc sử cũ người ta luôn thấy vẳng trong âm hưởng nghìn xưa tiếng trống trầm hùng, mạnh mẽ của những triều đại đã nối tiếp nhau dựng nền văn hiến suốt mấy nghìn năm. Để có được tiếng trống đó, tất nhiên phải kể tới bàn tay người làm trống. Qua bao biến động lịch sử, những làng nghề đã thay đổi ít nhiều, nhưng nghề làm trống thì chưa bao giờ biến đổi.
Nổi tiếng nhất vẫn là làng Đọi Tam thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngôi làng đã hơn nghìn năm lịch sử, yên bình dưới chân núi Đọi luôn toát lên nhịp sống rộn ràng với tiếng cưa, đục, chạm gỗ, tiếng nói cười của các tốp thợ, rồi tiếng thử trống lay động không gian. Sử cũ còn ghi lại vào năm 986, khi vua Lê Đại Hành về đây khai hội Tịch Điền, hai vị tổ nghề Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bàn đã huy động con cháu trong làng làm chiếc trống đại để đón vua về. Tiếng trống cất lên vang rền như tiếng sấm báo hiệu một thời kỳ độc lập huy hoàng của dân tộc. Cũng tại đây, vua Lê Đại Hành khi cày ruộng đã xới lên từ nền đất cũ một thoi vàng bèn đặt tên cho thửa ruộng là Kim Điền, thửa bên cạnh lộ ra nén bạc nên đặt tên Ngân Điền. Chuyện xưa đa phần là huyền sử, nhưng qua đó đưa lại lời răn dạy tới ngàn xưa về việc phải coi trọng canh nông cấy cày. Làm trống cũng đâu khác cày ruộng, trọng nhất sự cần cù, có vậy mới lựa được thân cây gỗ mít chắc khỏe để xẻ ra làm tang, mới mua được con trâu lớn để lấy da làm mặt trống. Cái nghề tưởng như đơn giản này có đi sâu vào tìm hiểu mới thấy cần biết bao tài khéo của con người.
Xưa kia người ta giữ nghề, có bí quyết không bao giờ tiết lộ cho người ngoài. Nay thì đã khác, khách tới đặt trống vẫn được các nghệ nhân trong làng chỉ dẫn tận tình. Gỗ mít được đẽo thành miếng, sau đó ghép lại vừa khít, dùng sơn ta, vải màn bít kẽ hở, sau đó mới tới phần bưng mặt trống bằng da trâu. Da trâu sau các công đoạn xử lý sao cho thật chắc, dẻo, đủ dầy để đánh ra tiếng vang rền và cũng không được mỏng quá, mỏng quá mặt trống dễ thủng. Từ ngôi làng cổ này mỗi năm có hàng nghìn chiếc trống tỏa ra bốn phương trời. Trống thì có nhiều loại, trống đại dùng cho đình chùa, nhỏ hơn cho trường học, rồi trống chuyên dụng cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống như hát chèo, bát văn… mỗi loại lại có yêu cầu riêng về thanh âm. Trống lễ cần trầm vang, trống nhạc cụ cần rền nhưng vẫn có độ thanh của tiếng. Loại nào cũng có phương cách riêng để tạo ra và người Đọi Tam tự hào nhất về bí quyết nghề truyền thống đó.
Tỏa đi các nơi thì còn nhiều làng trống khác nữa. Tại Hải Dương có làng An Quang, tại Nghệ An có làng Hoàng Hà, ở Quảng Nam nổi danh với làng Lâm Yên… Chắc hẳn vào những ngày xa xưa trong lịch sử, bước chân người theo các cuộc hành binh, khai hoang mở đất, đi nhận việc trong kinh thành rồi ở lại nơi đất lành chim đậu… đã khiến các bậc tiền nhân đưa nghề đi khắp bốn phương trời. Cùng với làng dệt Mã Châu, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng làm trống Lâm Yên góp phần tạo nên những nét màu tươi trong bức tranh du lịch của miền đất Quảng thanh bình.
Duy nhất và cũng khá độc đáo ở miền Nam là làng trống Bình An ở Long An. Đây là làng làm trống duy nhất ở khu vực phía Nam nên lúc nào cũng tấp nập khách tới đặt hàng. Mà trống thì không thể thiếu để làm thăng hoa thêm điệu múa lân sư của những ngày lễ tế thần hay trình diễn. Trống góp tiếng trầm để gọi hồn thiêng các anh linh thửa trước, trống thong thả gọi trẻ vào lớp mỗi buổi sớm mai, trống bập bùng trong những buổi hát bội rộn ràng… Trống Bình An làm ra có khác với trống ở miền Trung hay miền Bắc hay không thì có lẽ chỉ các chuyên gia mới có thể phân định, nhưng chắc chắn đây là một điểm du lịch khá thú vị ở miền Tây. Từ bàn tay người thợ, những chiếc trống lớn nhỏ đều đặn ra đời để cất lên những thanh âm đã đi theo đời sống dân tộc Việt suốt bao thế hệ.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.