Thái Sơn Foods

MÂM CƠM MIỀN SƠN CƯỚC

Trên những cung đường du ngoạn, khi lên rừng, khi xuống biển, có lúc nào những khách lãng du chợt thấy mình đang lạc tới một bản làng miền cao nơi xa khuất phố phường. Dù ở miền nào, Đông Bắc hay Tây Bắc, dù trên cao nguyên trung phần hay giữa một khoảnh rừng già, hình ảnh quen thuộc thường thấy nhất ở đó vẫn là chiếc bếp lửa dường như không bao giờ tắt. Những ngôi nhà sàn của người Thái, Mường vùng Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, những ngôi nhà có tường xếp đá của người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang, những ngôi nhà dài của người Ê đê ở Ban Ma Thuột dù kết cấu và tổ chức khác nhau nhưng đều có ngọn lửa bập bùng để xua tan gió lạnh, cũng là nơi gắn kết mọi thành viên trong gia đình bằng hơi ấm yêu thương.

Có ngồi bên bếp lửa cùng gia đình, khách thành thị đôi khi mới nhận ra đã lâu mình chưa được nếm lại cảm xúc ấm áp thân quen của những bữa ăn chiều, khi mọi người nghỉ tay làm việc để chuẩn bị cho bữa ăn được mong chờ nhất của ngày. Dù sống bằng nuôi trồng hay buôn bán, dù là dân thường hay cán bộ, tập tục của các gia đình miền cao luôn có nếp giống nhau, đó là một bữa ăn chung bên bếp lửa hồng. Người già được tôn trọng mời ăn trước, khách dù lạ hay quen cũng được mời miếng ngon, phụ nữ và trẻ em cũng được người khác quan tâm nhường cho phần ngon ngọt… Bằng ly rượu giao đãi mời khách, bằng những lời hỏi han gia cảnh mà chuyện quanh mâm có khi cứ miên man chẳng bao giờ dứt, nhất là khi đó trời đã dần khuya và sương dần thấm lạnh áo khách phong trần.

Có tới làm khách trong nhà người Thái mới thấy hết cái tình, cái nghĩa mà cộng đồng này dành tặng cho những ai ghé tới. Chăn đệm dành cho khách được xếp riêng, luôn thơm mùi nắng, trên mặt sàn lát gỗ hoặc dùng thân tre già đập dập đã lên nước bóng loáng màu vàng sẫm, những chiếc đệm thổ cẩm dày luôn được dành riêng cho khách vị trí trang trân trong nhà. Đó là chuyện ngủ lại qua đêm, còn khi ăn, có thưởng thức mâm cơm người Thái mới hiểu thế nào là lòng mến khách cũng như tôn ty trong mỗi gia đình. Trong cộng đồng này, tiếng nói của người già rất có trọng lượng, do đó thật đáng quý khi nhận được ly rượu mời từ bàn tay đã nhăn nheo vì thời gian nhưng ánh mắt thì còn tinh tường lắm. Nếu không tính tới khoảng thời gian giáp hạt hoặc có gặp thiên tai, phần lớn cơm người Thái luôn thịnh soạn ở mức đáng khâm phục bởi cơ cấu món ăn phong phú và cách chế biến cũng thật cầu kỳ. Cá hấp rau thơm, thịt nướng, gà hầm măng chua, rau đồ và xôi nếp…Trong ánh lửa bập bùng, quay quần cùng thưởng thức vị núi rừng, khách phương xa bỗng nhận ra ở đây hình như mới chính là gia đình, dù tiện nghi trong các ngôi nhà sàn miền sơn cước thường chỉ ở mức đơn giản nhất. Rất hiếm gia đình nào dùng bếp hồng ngoại hoặc bếp từ, nồi niêu xoong chảo cũng đủ loại, vừa đồ gang từ ngày xưa, vừa đồ inox hiện đại, song bữa cơm thì luôn đủ cơm dẻo canh ngọt, khi thơm phức mùi thịt nướng lá bưởi, khi thoảng vị cá nấu măng chua kích thích vị giác, lúc lại ngát hương tỏa ra từ chỗ xôi bằng gỗ đặt trên bếp lửa hồng. Trong bữa ăn miền cao, đôi lúc ta bỗng nhận ra thêm một điều khiến mình nhớ lại tuổi thiếu thời khi nhận ra mùi khoai chín đang lan trong không khí. Vùi khoai trong than hồng để sau đó vừa bóc vỏ cháy xém vừa hít hà, cái thú ấy hình như đã lâu rồi người thành thị không còn biết tới.

Thú vị nhất với khách lãng du là vô tình được mời đón vào bữa ăn miền sơn cước trong dịp lễ hội, đám cưới hoặc độc đáo hơn cả là các lễ cấp sắc của người Dao, lễ phong thầy tào của người Nùng… Tưng bừng màu sắc thổ cẩm, rộn rã tiếng cười trẻ nhỏ và nồng nàn hương rượu lan từ trong nhà ra ngoài ngõ xóm. Vào những dịp ấy, không còn phân biệt được mâm cơm của nhà nào và ai đang đãi khách, bởi cứ một chốc là khách lại thấy mình được mời sang một nhà nào đó. Dù thức ăn thì cũng từng đó món thôi, nhưng đã nhập cuộc thì bà chủ lại sửa soạn một mâm cơm mới và câu chuyện lại ríu rít với ly rượu giao bôi. Càng nói chuyện càng say, không phải say bởi men rượu nồng mà bởi cái tình, cái nghĩa của con người trao tặng cho nhau. Bên mâm cơm hắt ánh lửa bập bùng, có lúc đó khách chợt thấy thấp thoáng ánh mắt e lệ của người thiếu nữ, hệt như lời bài “Sơn nữ ca” hay “Thiên Thai”, nửa vô tình, nửa cố ý để lòng người bỗng bồi hồi mơ mộng. Cảnh sắc núi rừng dịp sau Tết đẹp ngây ngất với những cành đào nở muộn, những đóa hoa lê, hoa mận trắng muốt, rồi hoa ban trắng hồng tô điểm núi rừng. Cảnh sắc mơ huyền, tình người say đắm, những ấn tượng đó sẽ còn đi theo bước lãng du của khách đa tình trong những bước đường vạn dặm về sau.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Exit mobile version