Về miền Tây gạo trắng nước trong, khách phương xa thường được bạn bè mời những món ăn mang thương hiệu xứ này, từ lẩu cua gạch tới cá tai tượng chiên xù, tôm xú hấp bia, cá lóc kho tộ…, toàn những món quyến rũ và ngon lành. Nhưng ở nơi nào đó, trong những vùng thôn quê xa nơi phố thị, người chịu tìm tòi sẽ bất ngờ khi gặp được những hương vị rất dân giã, mộc mạc như chính cái chất phóng khoáng của những con người sống giữa thiên nhiên rộng lớn.
Rẻ tiền mà ngon vào hạng nhất nhì phải kể tới mắm. Mắm miền Tây đa dạng và tạo nên hồn phách của đất này, hệt như sự phong phú của những món bánh của cố đô Huế, từ mắm còng, mắm cá lóc, mắm cá sặc, cá linh.. Đây là kiểu ướp muối và thêm vài gia vị như ớt, tỏi, đường, tiêu… vào các sản vật đánh bắt được từ những dòng sông, con kênh nước tràn trề mùa lũ ngày xưa, khi đời người khẩn hoang cứ phải nương theo con nước lên xuống mà đánh bắt hay trồng trọt, và kỹ thuật lưu giữ thực phẩm chỉ dựa vào việc phơi khô hay ướp muối. Trải qua vài trăm năm, nghệ thuật làm mắm của cư dân miền Tây đã đạt tới mức điêu luyện, để những món mắm dân giã có thể tự hào đi vào các bàn tiệc lớn nơi phố thị. Chỉ khêu 1 miếng mắm cá lóc óng ánh màu hổ phách, ăn cùng chút rau, chút bún, thêm ớt hoặc tiêu xanh tùy khẩu vị mà ta sẽ nhận thấy cái dư âm mặn mòi, ngọt ngào lan tỏa trong vị giác. Mắm xưa kia là món nhà nghèo, ngày nay các bà nội trợ thành thị cũng rất chuộng mắm vì vừa hợp với bữa cơm gia đình, vừa có thể giữ được lâu và tất nhiên không hề đắt. Vào mùa nước nổi, đàn cá linh theo dòng Cửu Long tràn về từ Biển Hồ Campuchia, đó là lúc những nhà làm mắm hân hoan chế biến mắm cá linh nổi tiếng, thứ không thể thiếu với dân sành ăn cho những bữa tiệc lẩu mắm ăn cùng bông điên điển và đọt hoa súng.
Cũng không khác miền Trung là mấy, ở đây người ta dùng mắm trong bữa ăn hàng ngày. Dù có là nơi trù phú thì chắc hẳn nhà ai đó cũng có lúc thiếu tôm cá, vào lúc đó tất nhiên mắm được nghĩ tới đầu tiên để chế món ăn. Mắm vắt chanh, nêm đường, ớt, tỏi đã bằm nhuyễn sẽ trở thành thứ để chấm các món cuốn tuyệt hảo. Đơn giản nhất là thịt heo luộc, cầu kỳ hơn là cá lóc, cá rô hấp, không cần nhiều thịt cá lắm nhưng phải thật nhiều rau xanh để cuốn. Từng tấm bánh tráng đã được phết nước cho mềm, nhẹ nhàng cuộn lấy mớ rau đủ loại, cho vào giữa chút thịt hoặc cá rồi chấm mắm, càng ăn càng thấy thấm, càng ăn càng thấy cái ngon lành của thiên nhiên đã dâng tặng con người. Có lẽ ngay cả người miền Tây cũng không thể đọc hết tên các loại rau được hái ngoài vườn, từ đọt xoài non cho tới đọt lục bình, từ rau nhút cho tới ngọn cải xanh, bông sung, bông điên điển…, mà đó chỉ là những loại cây phổ biến, còn biết bao nhiêu loài rau khác nữa cũng được dùng để làm cuốn, Mỗi chiếc cuốn lại mang vị chua, chát, đắng dịu, thanh mát… của rau, nêm thêm vị mặn mòi của mắm sẽ khiến bữa ăn trở thành lạc thú chốn trần gian mà dễ ai đâu sánh được.
Có gì thú bằng khi được ngồi trong những tiệm nhỏ ven dòng sông Tiền, sông Hậu, phóng tầm mắt ra mênh mang sông nước, ngắm những con thuyền mảnh mai có dáng người con gái lưng thon đưa đầy mái chèo và thưởng thức những sản vật đặc thù miền sông nước. Chỉ vùng này mới đãi khách phương xa bằng đủ cung bậc ẩm thực phong phú và lạ lùng, từ chén trà pha mật ong, chiếc kẹo dừa ngọt ngào cho tới những bữa lẩu mắm với hàng chục loại rau và lá khác nhau. Mùa nào thức ấy, miền Tây hào phóng phô bày cho du khách những món ăn lạ khiến 1 lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.