Thái Sơn Foods

NÀO CÙNG LÊN ĐƯỜNG

Nha-Đam-Thái-Sơn-Nào-Cùng-Lên-Đường-01

Không biết tự khi nào, hai chữ “đi phượt” bỗng hóa thành một từ bao hàm nhiều ý nghĩa, đặc biệt hấp dẫn giới trẻ Việt Nam. Đi cùng bạn bè thân, lên facebook kêu gọi thành viên cho một chuyến đi, những hình thái kết bạn để lên đường ngày nay đã trở nên phổ biến trong xã hội. Không chỉ giới hạn ở giới trẻ thành phố, ngày nay trào lưu phượt đã lan tỏa tới cả miền núi, thôn quê, cứ có điều kiện về thời gian là các bạn trẻ lại lên đường, đi từ vài ngày cho tới cả tháng, đi để thỏa chí du lịch, đi để hiểu thêm về đất nước và thế giới bên ngoài. Cụ Tô Hoài có linh thiêng hẳn sẽ mừng lắm khi thấy câu chuyện của chú dế mèn ngày nào đã được thế hệ sau ủng hộ tới mức thành một nếp văn hóa sâu đậm trong đời sống đến vậy.

Không cứ là di chuyển bằng xe máy như một số bạn trẻ vẫn nghĩ, đi phượt có thể sử dụng mọi phương tiện phù hợp, từ mua vé máy bay cho tới thuê xe hơi tự lái, từ chạy xe máy phân khối lớn cho tới đi những dòng xe Vespa cổ, từ đi xe đạp cho tới chèo thuyền kayak, mỗi người sẽ lựa chọn hình thái yêu thích của mình. Tất nhiên phổ biến nhất vẫn là kết đội đi xe máy. Trên các nẻo đường Đông – Tây Bắc, trên con đường thiên lý Bắc Nam, trên các cung đường lộng gió Tây Nguyên, ngày nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những đội xe máy với đặc trưng dễ nhận. Đa số đều thích mặc áo quốc kỳ, cắm cây cờ Tổ quốc nhỏ trước đầu xe và len lỏi vào từng góc sâu xa để thăm thú và chụp hình lưu niệm. Có lẽ trên cả nước không còn nơi nào chưa in dấu chân phượt thủ. Những con đèo Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ quanh năm sương gió, những cung đường dân sinh ven dòng sông Đà hiểm trở, những cây cầu treo mỏng manh bắc ngang dòng Nho Quế có sườn núi đá cao chót vót dựng hai bên… tất cả đều được giới phượt thủ đặt chân đến. Đến mỗi điểm danh lam thắng cảnh đó, họ phải trải qua thật nhiều thử thách, nhưng có lẽ khi chụp cùng lá cờ Tổ quốc quấn quanh người, các chàng trai cô gái đó sẽ thấy trào lên trong mình niềm tự hào vô bờ với đất nước tươi đẹp, thanh bình.

Đi phượt để rời khỏi môi trường sống quen thuộc, qua đó biết được vô khối điều mới lạ, những điều dù có xem truyền hình hay đọc sách nhiều lần vẫn chẳng thể so sánh với cảm xúc thật khi được hòa mình vào đó. Ngồi cùng những người đàn ông H’Mông trên ghế dài ven chợ miền cao, ăn thử bát thắng cố, nếm chén rượu ngô, cái thú ấy rất khó diễn tả bằng lời. Len lỏi trong những sạp hang bày bán thổ cẩm rực rỡ sắc màu, vào bản xem các cô gái dệt vải dưới gầm nhà sàn bằng khung cửi gỗ đã có tuổi vài chục năm, những điều đó bổ sung kiến thức sống cho giới trẻ hiện đại vốn chỉ quen lướt bàn phím. Đi cũng là để thưởng thức món ngon vật lạ bốn phương. Chỉ có lên miền núi, các bạn trẻ mới thật sự được nếm các món ăn huyền thoại miền cao, nào là măng đắng xào, rau rừng nấu canh, thịt trâu gác bếp, cá suối chiên giòn… Rồi bánh chưng gù đặc sản Cao Bằng, khâu nhục lừng danh xứ Lạng, thắng cố Lào Cai, cá dầm xanh Tuyên Quang… mỗi món ăn đều chứa đựng hồn phách văn hóa vùng miền khiến ai nếm một lần sẽ nhớ mãi không quên. Ra ngoài vùng biển xa, các bạn trẻ thành phố lạ lẫm với các món cá tươi chế biến kiểu thuyền chài, nướng ngay bằng bếp than trên thuyền, rồi cách thưởng thức nhum (cầu gai) lối dân dã, những thú vui ấy dù bỏ bao nhiêu tiền cũng không tìm thấy nơi phố thị. Lên Tây Nguyên, người bản địa sẽ tự hào giới thiệu cho khách phương xa món gà tẩm mật ong nướng, đặc sản Buôn Đôn, rồi canh cà dại có vị đắng nhưng rất tuyệt khi nếm cùng chút rượu cần.

Thưởng thức món ngon là vậy, nhưng để nếm được thì cần có sự hòa đồng. Bởi vậy giới phượt thủ vẫn truyền nhau các kinh nghiệm quý khi tới những miền xa. Nguyên tắc chạy xe an toàn thì đã hẳn, rồi cách thức sơ cứu, sửa xe, cách dùng ánh sáng và lửa để báo hiệu… là những điều tối thiểu cần biết. Rồi cách lọc nước suối giữa rừng để có thể uống tạm khi quá khát, cách ghép bè tre nứa để chuyên chở xe máy và người qua dòng suối, những điều đó sẽ khiến chuyến đi trở thành dấu ấn khó phai trong đời mỗi con người bởi cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm không kém phim ảnh. Nhưng cần nhất vẫn là sự tôn trọng văn hóa bản địa. Mỗi nơi một tập tục, với người Tây Bắc, cần chú ý tới cách thức mời chào, thăm hỏi, khi được mời ăn cùng người dân phải biết phép tắc tôn trọng người già, còn với vùng núi Tây Nguyên, rất không nên tùy tiện đi vào khu nhà mồ ẩn sau tán rừng, dù ở đó có những pho tượng gỗ đẽo tạc cực kỳ sống động. Mỗi cộng đồng cư dân sẽ có những tập quán khác nhau, do vậy trước khi đặt chân tới nơi nào, các bạn trẻ đừng quên vào mạng tìm hiểu kỹ lưỡng về nơi đó, tránh xảy ra các điều đáng tiếc trên đường.

“Đừng mang đi cái gì ngoài những tấm ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân”, nguyên tắc của ngành du lịch luôn đúng trong mọi trường hợp. Một ngày hay một tháng, đi một mình hay cùng với bạn bè, giới phượt đã và đang tạo nên những câu chuyên dài bất tận trong đời sống cộng đồng, qua đó mỗi người lại học thêm được biết bao điều thú vị.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Exit mobile version