Cửu vị thần công, cửu đỉnh, vạc đồng Đại Nội… với tuổi đời đã hơn 2 – 3 thế kỷ tồn tại, là những kiệt tác trong kho tàng di sản của đất Huế xưa và cũng là Quốc Bảo Việt Nam hôm nay. Câu chuyện làm nên những tác phẩm danh tiếng ấy gắn liền với sự hình thành làng đúc đồng Phường Đúc, ngụ bờ nam sông Hương, từ thế kỷ 17 mà nay vẫn tồn tại và phát triển.
Nhắc đến Phường Đúc, từ 1776 nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhắc đến trong Phủ Biên Tạp Lục (NXB Khoa Học QIII, Tr.204, 358): “Ở Thuận Hoá có hai ty đội thợ đúc đều 30 người, có Phường Đúc ở bờ Nam sông Phú Xuân đều là người kiều ngụ ở lộn cũng biết đúc súng, đồng và vạc, chảo, xanh, nồi, cây đèn, cây nến mọi vật… có ty thợ đúc các cục, người Kinh 30 người, người Bổn Bộ 30 người”. Người Kinh mà Lê Quý Đôn nhắc đến chính là Kinh Nhơn, nơi sinh cơ lập nghiệp của ty thợ đúc người Kinh Bắc (Bắc Ninh) theo chúa Nguyễn Hoàng vào nam, đến Phường Đúc để phục vụ nhu cầu cho phủ chúa ở Trường Đồng – công xưởng đúc đồng thành lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1636). Còn Bổn Bộ là nơi ở của đội thợ đúc đồng bản địa gồm các vùng Thuận Hoá, Quảng Bình, Cam Lộ, Quảng Trị. Hiện ở Huế chỉ còn thợ đúc đồng Kinh Nhơn, nguyên do các ty thợ đúc lành nghề quanh vùng Phú Xuân được triệu tập về khi có binh biến loạn lạc thời chúa Nguyễn, họ liền trở về quê hương bản quán. Riêng tộc Nguyễn ở Kinh Nhơn theo chúa từ Bắc vào cư trú qua nhiều đời nên tiếp tục ở lại cho đến ngày hôm nay với 14 đời lưu truyền nghề đúc đồng danh tiếng từ quê hương Kinh Bắc.
Trong số những tác phẩm danh tiếng do thợ lò Phường Đúc thực hiện trong đại nội Huế, nổi bật là bộ Cửu Đỉnh khổng lồ trước Thế Miếu do vua Minh Mạng ra lệnh: “Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế Miếu… Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc”. Cửu Đỉnh được thợ Phường Đúc tiến hành vào mùa đông 1835 đến 1837 thì hoàn thiện. Có thể nhận định Cửu Đỉnh là một kiệt tác của người thợ lò Phường Đúc, mỗi đỉnh đồng ứng với một thuỵ hiệu các vị vua triều Nguyễn, với 18 mảng phù điêu khắc nổi trên từng đỉnh đồng, chia làm ba tầng, thể hiện phong cảnh non sông nước Việt theo chỉ dụ của vua Minh Mạng: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”. Cửu Đỉnh ngoài giá trị thẩm mĩ, văn hoá, lịch sử, vẻ đẹp của Cửu Đỉnh còn được nhận định là một tuyệt tác trong chế tác đồ đồng Việt Nam ở mọi thời đại.
Phường Đúc hôm nay vẫn những dãy nhà san sát, các xưởng đúc đồng nhộn nhịp thợ vào khuôn, nổi lửa, cho ra các sản phẩm đa dạng, từ đồ thờ tự, chân đèn, tượng, chuông, cồng, chiêng, đến các loại tượng nghệ thuật hoặc gia công theo đơn đặt hàng theo nhu cầu khách trong nước và quốc tế. Những nghệ nhân tiêu biểu trong làng nghề đúc đồng xứ Huế có thể kể đến như Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Viện, Lê Văn Sơn, Nguyễn Trường Sơn… vẫn tiếp tục nối nghiệp tiền nhân, ngày ngày cho ra các sản phẩm đúc đồng mang tính thủ công cao với những chi tiết trang trí, chạm khắc, sinh động và ấn tượng.
Bên cạnh các tác phẩm đúc đồng mang kích cỡ lớn như tượng thờ, chuông, khánh… phục vụ việc thờ tự, dòng sản phẩm mỹ nghệ mang kích cỡ nhỏ là một đặc trưng tiêu biểu khi nhắc đến sản phẩm Phường Đúc. Nổi danh ở Phường Đúc hiện có xưởng nghệ nhân Lê Văn Sơn chuyên thực hiện sản phẩm mang kích cỡ nhỏ nhưng tính mỹ thuật cao. Nghệ nhân Lê Văn Sơn chia sẻ: “Làm đồ đồng mỹ nghệ không nặng công lao động như đúc chuông – tượng lớn, nhưng đòi hỏi phải cứng nghề vì như đồ lớn, một nét đục sai có thể sửa, chứ đồ nhỏ sai là loại bỏ ngay. Các khoản thu nhập khi làm đồ nhỏ cũng không cao như đúc đồ lớn, vì vậy cả Phường Đúc hiện rất ít người trẻ đam mê và chịu học chế tác các dòng đồ mỹ thuật cao kích thước nhỏ theo kiểu xưa”.
Những nghệ nhân phường đúc Để làm ra một chiếc lư xông trầm bé con, thợ phải có ít là 3 năm kinh nghiệm. Công đoạn bắt đầu từ việc tạo khuôn trong, khuôn ngoài, đến rót đồng đã nung chảy vào khuôn, đợi nguội, phá khuôn, chạm trổ trang trí, đắp phù điêu, mài, đánh bóng, nhuộm màu… mất ít là 2 ngày trời cho một sản phẩm, mới thấy nghề đúc đồng ở Phường Đúc thật lắm gian truân, vất vả. Phường Đúc giờ thành điểm tham quan, nơi du khách đến tìm hiểu về nghề đúc đồng xứ Huế. Nhìn trên từng sản phẩm, người xem phần nào cảm thông và thấu hiểu hơn niềm đam mê giữ nghề, theo nghề và phát triển nghề của những nghệ nhân Phường Đúc trên đất Huế hôm nay.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.