ĐẶC SẢN BÊN DÒNG SA GIANG

Chuyên mục

Nhắc đến Sa Đéc, không ít người nghĩ ngay đến món hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng khắp nơi bởi hương vị đậm đà, khá đặc trưng. Nơi đó còn có những câu chuyện lý thú liên quan đến món ăn đặc sản này.

Là món ăn quen thuộc của người miền Tây nên ở miệt sông nước nên đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp những hàng quán hủ tiếu bày bán bên đường. Tùy theo cách chế biến mỗi nơi mà hủ tiếu có sự khác biệt cùng hương vị riêng. Trong số đó, hủ tiếu Sa Đéc được thực khách gần xa ưa chuộng bởi sự độc đáo từ nguyên liệu, hương vị đến cách thưởng thức.

Sợi hủ tiếu Sa Đéc có màu trắng sữa đặc trưng, bản to, dai dòn, hậu ngọt, thơm mùi gạo mới. Người sành ăn cho rằng cái độc, lạ của sợi hủ tiếu Sa Đéc là do được làm ra từ làng bột gạo Tân Phú Đông có tiếng hàng 100 năm qua. Sông Tiền đoạn chảy qua miệt này có độ PH trung tính, không lợ mà cũng không chua nên rất thuận lợi để làm bột gạo ngon lẫn bánh hủ tiếu. Chỉ cần ra khỏi Sa Đéc chừng vài ba cây số thôi thì chất lượng bột gạo đã không còn ngon bằng, cho nên bánh hủ tiếu phải làm tại chỗ sau đó mới đem đi phân phối cho nơi này, nơi nọ. Để đảm bảo chất lượng thì bánh hủ tiếu tươi luôn được các hàng, quán sử dụng trong ngày, bán bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.

Chẳng đợi tới ngày nay mà trước đây từ thập niên 70 của thế kỷ trước, hủ tiếu Sa Đéc đã nổi danh ở chốn Sài Thành nhờ công lao gầy dựng, quảng bá của nữ nghệ sĩ cải lương tài danh thuở đó có tên Bà Năm Sa Đéc. Quán hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc nằm ở ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương nơi Chợ Lớn luôn tấp nập thực khách lui tới bởi cái tài nấu nướng của bà cùng cách bày trí dân dã, mộc mạc. Bánh hủ tiếu tươi được lấy hằng ngày từ làng bột Tân Phú Đông nhờ cánh xe đò Sa Đéc – Sài Gòn chở tới tận nơi.

Ở Sa Đéc, hủ tiếu được bày bán khắp nơi từ trong chợ cho đến dọc theo những con phố lẫn trên các con đường. Hủ tiếu là món mà người ta có thể dùng bất cứ thời điểm nào trong ngày như điểm tâm, thay bữa chính, bữa lỡ hoặc ăn khuya. Thú vị một điều là cho dù có thưởng thức nơi các hàng quán sang trọng hay chỗ bình dân thì hương vị của món ăn này vẫn luôn đậm đà, không mấy khác biệt. Nước lèo của hủ tiếu Sa Đéc được hầm từ xương ống, tôm khô, khô mực, củ sắn theo bí quyết riêng của mỗi quán. Tuy nhiên điểm chung của các hàng quán ở đây là nước lèo luôn trong vắt, ngọt đậm đà tự nhiên nhờ khéo canh lửa, vớt bọt liên tục trên bếp.

Dù là hủ tiếu xương hay hủ tiếu thịt hoặc hủ tiếu lòng thì món ăn này luôn có một hương vị thơm ngon độc đáo với nước súp trong, sợi bánh trắng ngà, thịt nạc xắt dày, vài ba miếng lòng, con tôm đỏ au, bốc mùi thơm ngào ngạt bênh cạnh dĩa xà lách, cần tàu, giá, hẹ…Tùy theo khẩu vị mà thực khách có thể thêm thắc vô tô của hủ tiếu của mình bằng ớt ngâm giấm, nước tương hoặc nước mắm.

Bên cạnh món hủ tiếu nước nổi tiếng thơm ngon thì hủ tiếu khô là món cũng độc đáo không kém. Bánh hủ tiếu được trụng sơ cho vừa chín tới bày trên dĩa, bên trên với thịt nạc, tim, gan, cật … gần như che kín mặt, trên cùng là lớp nước sốt sánh đặc, vàng óng ả. Nước sốt được làm từ cà chua băm nhuyễn phi với hành, tỏi rồi nêm nếm gia vị. Ăn kèm là tô xí quách với nước lèo trong veo, ngọt đậm, bóc khói thơm lừng.

Về với xứ hoa Nam Bộ, ngồi bên dòng Sa giang lộng gió, thưởng thức tô hủ tiếu Sa Đéc trứ danh bạn mới cảm nhận trọn vẹn được hương vị đậm đà, đặc trưng của món ăn đặc sản nơi này.

Bạn có thể thích