HƯƠNG LINH THIÊNG – VỊ SUM VẦY

Từng tờ lịch rơi xuống báo dần tới đêm trừ tịch, cũng là lúc mọi người trong nhà càng hối hả để tới giao thừa có được một mâm cỗ cúng thịnh soạn, trang nghiêm. Dù gia cảnh thế nào, dù sống nơi đâu, người Việt luôn giữ gìn một tục lệ đã được truyền từ trăm nghìn năm, đó là lo liệu việc cúng tế Trời; Đất, các vị thần linh và gia tiên cùng về ăn Tết trong những ngày đầu Xuân. Năm mới, chỉ hai từ đó thôi cũng đủ gợi về biết bao ước vọng, người ta mong chờ thời khắc giao thừa để được dâng lên ban thờ nén hương thơm ngát, được cẩn trọng bóc chiếc bánh chưng đầu tiên, sửa soạn mâm cơm cúng sao cho trọn vẹn nét thành kính, đủ đầy món ngon và tưng bừng màu sắc.

Lối Sống – Hương Linh Thiêng Vị Sum Vầy 02

Mỗi miền một khác, nhưng trời Nam đất Bắc đều chung nhau một cách thức phổ quát trong sắp đặt mâm cơm mừng năm mới là nấu những món thật ngon lành, có phần cầu kỳ và nhất là phải đẹp. Do ảnh hưởng của đặc trưng mùa, người miền Bắc và miền Trung tỏ ra ưa thích các món nóng và lạnh cùng hòa quyên, bên cạnh bánh chưng, giò lụa, nem rán, nộm thì không mấy khi thiếu món canh măng hầm chân giò trứ danh bên cạnh con gà luộc. Rắc chút hành chẻ, món canh nóng hổi giữ nhiệt rất lâu nhờ chất mỡ bóng bẩy trên bề mặt, lại mang vị thanh của măng, vị béo của chân giò, vị ngon ngọt của khúc thịt được ninh cả ngày trên bếp lửa. Đặc thù món Tết là phải ngon và cũng để được lâu, ngày xưa chưa có tủ lạnh, người ta treo bánh chưng cả vài tuần trên gác bếp là chuyện thường, canh măng cũng vậy, một nồi mà nhấm nháp tới vài ngày.

Lối Sống – Hương Linh Thiêng Vị Sum Vầy 03

Nem rán cũng không thể thiếu trong mâm, cùng với giò lụa, chả quế, chả bì, chả cốm tạo thành một bộ sưu tập món ăn quyến rũ, là nỗi hoài niệm của những ai phải xa quê hương nơi đất khách quê người. Các gia đình ở phố thị lâu đời thì duy trì truyền thống làm canh mọc thả, đó là một bản tổng phổ của sắc màu và hương vị, hấp dẫn từ vẻ xốp của bóng bì, màu đỏ của tôm nõn, màu trắng ngần của trứng cút, sắc màu rực rỡ của trứng hấp vân được quấn từ trứng tráng, giò sống, lạp xường. Cũng như cách bày biện mâm ngũ quả, một mâm cơm năm mới của người Bắc cứ rực lên những mảng màu tươi tắn theo quy tắc ngũ hành. Nhưng vậy cũng chưa thể so sánh với mâm cỗ miền Trung về độ cầu kỳ, nhất là ở những gia đình người Huế. Ngắm một mâm cỗ Huế, khách phương xa phải tự hỏi tại sao những người phụ nữ yếu ớt mảnh mai lại có thể chế tác ra các tác phẩm tạo hình của môn ẩm thực đẹp và tỷ mẩn đến như vậy. Không cần mâm cao cỗ đầy, chưa cần tạo món theo hình long phượng, chỉ nội các món bánh Huế cũng đủ khiến người ta thán phục về độ tinh tế và hương vị thanh tao. Bên cạnh bánh chưng, bánh tét, người Huế còn đón Xuân cùng rất nhiều loại nem, tré, dưa góp, hành, các loại bánh và đặc biệt, còn thường ăn món thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm hoặc xì dầu, khi ăn cắt thành lát mỏng bày trên mâm. Sự giao thoa giữa văn hóa dân gian với nếp sống cung đình xa xưa đã tạo nên một truyền thống ẩm thực đầy màu vàng son quý phái để tỏ điểm cho miền đất Cố Đô.

Lối Sống – Hương Linh Thiêng Vị Sum Vầy 03

Trở ra các vùng khác ở miền Nam Trung bộ và đi vào phương Nam rực rỡ nắng vàng, chúng ta lại được thưởng món Tết theo lối sống phóng khoáng, ít câu nệ và cởi mở hơn. Mỗi nơi một vẻ, chỗ thì thoải mái cúng kiếng thần linh và gia tiên bằng các món hải sản như cá hấp gừng, mực hấp bia, tôm cua sốt me, lại còn pha trộn hương vị của Thái, Ấn và Âu Mỹ vào đời sống ẩm thực ngày Xuân. Bánh mỳ ăn với cari dê, khổ qua nhồi thịt với ý nghĩa “khổ qua rồi, nay tới sướng” được sắp đặt nghiêm cẩn bên cạnh tô canh chua cá, món thịt kho hột vịt rực lên sắc nâu bóng mỡ màng như hứa hẹn về những ngày vô ưu vô lo theo đúng tính thần “Cầu vừa đủ xài” mà những loại trái cây đặt trên ban thờ muốn kính cáo thần linh. Người Nam tiêu dung phóng khoáng, đón Tết bằng những cuộc vui, không phải giữ nếp phải ở nhà đêm giao thừa, càng không kiêng kỵ nhiều như miền Bắc nên mâm cơm năm mới cũng là mâm đón tiếp họ hàng bằng hữu ghé thăm, bởi vậy càng đa dạng phong phú càng vui. Chất thương hồ hội tụ trên mâm cỗ, nét phong lưu cũng thể hiện trong cách mời khách, bởi vậy không lạ gì người Nam đón năm mới bằng trái cóc cùng nồi lẩu cá linh có những bông hoa điên điển vàng tươi, bông so đũa, đọt xoài xanh hái ngoài vườn để khi người gì cúng kiếng, đám trẻ có thể thả hồn vào điệu vọng cổ, tiếng đàn ghi ta phím lõm. Trong nhà nhang vẫn chầm chậm thả lên thinh không mùi trầm ngan ngát báo hiệu Xuân về, ngoài vườn sắc mai vàng phô phang cùng nắng ấm và bên mâm cỗ đầu năm, câu chuyện thân tình dường như chẳng bao giờ kết thúc, hệt như dòng chảy của sông nước Cửu Long. Mỗi năm một lần, Xuân lại về khắp ba miền với sắc hồng hoa đào, màu vàng hoa mai, với tiếng cười rộn rã trẻ thơ và ánh mắt hạnh phúc của con người trao nhau trong những bữa ăn xum vầy dưới mái nhà ngày Tết.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2023 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích