MÓN NGON GIỮA CHỐN HÀ THÀNH

Chuyên mục

Vốn dĩ là một món ngon có tiếng từ xưa, thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì không chỉ là thói quen ẩm thực với người Hà Nội mà còn phổ biến ngay cả với du khách gần xa mỗi dịp ghé qua:

Thanh Trì có bánh cuốn ngon
 Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng

Làng nghề truyền thống bánh cuốn ngày trước ở ngoại thành Hà Nội, nay thuộc phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Gạo để làm bánh cuốn không cần quá ngon cũng không quá dẻo, được ngâm với nước độ 2-3 giờ trước khi xay nhuyễn. Mỗi nhà đều có bí quyết riêng trong việc gia giảm lượng bột để làm nên sự khác biệt cho thương hiệu của mình. Tráng bánh là công việc tuy không quá vất vả nhưng luôn đòi hỏi sự thuần thục, khéo léo để bánh mỏng đều, dẻo dai nhưng vẫn giữ được sự tinh túy và mùi thơm tự nhiên từ gạo. Bột được thoa đều trên lớp vải sạch căng trên nồi nước đang sôi, bốc hơi nghi nút, đậy vung lại độ chừng vài chục giây rồi mở ra, tiếp đến là một thao tác hết sức điệu nghệ bằng chiếc đũa tre lớn, miếng bánh trắng ngà được nhấc lên trải trên miệng rá. Lúc này người bán sẽ tha lớp mỡ hành chống dính rồi cuốn lại, xếp vào thúng thứ tự theo từng lớp. So với nhiều nơi, bánh cuốn Thanh Trì có nét khác biệt ở chỗ không nhân nên có thể ăn kèm với đậu phụ, chả hoặc rau thơm.

Món-Ngon-Giữa-Chốn-Hà-Thành-Món-Ngon-Quê-Việt-02

Một yếu tố không thể thiếu góp phần làm nên món bánh cuốn ngon chính là nước chấm được pha từ nước mắm cốt, dấm nếp, đường, tiêu, tỏi, ớt…xưa kia có cả vài con cà cuống băm nhỏ. Lạ ở chỗ, công thức chung thì ai cũng biết, nhưng liều lượng thế nào, pha làm sao, có thêm gì hay không thì lại là một bí quyêt riêng của mỗi hàng quán. Điều này khiến thực khách mỗi lần đến với bánh cuốn Thanh Trì vẫn cứ như lần đầu mới được thưởng thức bởi sự quyến rũ của thứ nước chấm màu hổ phách ấy. Đã có lúc, người bán dùng loại hành phi làm sẵn ở chợ nhưng rồi chính sự tiện lợi ấy đã góp phần làm hỏng một món ăn ngon. Cho nên ngày nay, nhà nào cũng tự tay tỉ mẩn thái hành, phi hành để phục vụ những thực khách sành ăn. Phải là thứ hành tím được thái mỏng, phi vàng với mỡ nước thì mới đúng điệu, khi dùng thì rắc nhẹ lên đĩa bánh cuốn.  

Cách thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì rất bình dị. Chỉ cần có tiếng gọi lại, người bán sẽ hạ thúng xuống, nhanh tay tách từng lớp bánh mỏng một cách khéo léo để không bị rách, xếp gọn trên chiếc đĩa, thêm một nhát kéo thế là đã có một phần bánh ngon lành. Tất cả được bày trên chiếc mẹt nhỏ lót lá chuối như một bức tranh đầy màu sắc với màu trắng của từng lớp bánh, màu xanh của rau kinh giới, màu nâu nhạt của hành phi, màu đỏ của khoanh ớt xắt, màu vàng của nước chấm…

Món-Ngon-Giữa-Chốn-Hà-Thành-Món-Ngon-Quê-Việt-03

Thực khách cứ thong thả chấm từng miếng bánh cuốn mỏng vào chén nước chấm vị thanh nhẹ, thơm mùi cà cuống, ăn kèm với các thứ khác rồi thỉnh thoảng nhấp nháp vài cọng rau thơm… để rồi mọi thứ cứ hòa quyện lại tạo nên một hương vị thanh tao, dễ chịu. Bánh cuốn là thứ quà bánh thường ăn buổi sáng nên cứ khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc các bà, các chị thu xếp mọi thứ quay về nhà chuẩn bị cho mẻ bánh hôm sau.

Trong tác phẩm Miếng ngon Hà Nội, nhà văn Vũ Bằng đã từng nhắc đến hình ảnh những người phụ nữ mặc áo dài nâu mang bánh cuốn đi bán dạo lúc trời vừa hửng sáng trên nhiều ngả đường vào những năm 60 của thế kỷ trước. Tất cả những thứ “tinh túy” ấy đựng trong chiếc thúng khá gọn gàng phía trên đậy kín bằng mẹt rồi đội trên đầu hoặc chở phía sau xe đạp. Ngày nay ở Hà Nội hiếm thấy bánh cuốn Thanh Trì được bán rong như xưa. Nhưng vẫn xuất hiện đâu đó, trên góc phố những thúng bánh cuốn xuất hiện lúc ban mai cùng dăm chiếc ghế nhựa, khách ghé ăn ngồi sát cạnh nhau.

Một lần nào đó, có dịp dừng chân nơi mảnh đất Hà thành, ngồi thưởng thức đĩa bánh cuốn Thanh Trì ngay trên góc phố giữa không khí yên bình của một ngày mới, bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn hơn hương vị độc đáo của món ăn bình dị này…

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích