NHANH TAY THƯỞNG THỨC LỘC TRỜI

Chuyên mục

Có phải vì có mối sống đâu đó ở gần mà sinh ra nấm mối hay không, cái này thì ít người dám chắc. Có vị nào đức cao vọng trọng, học thông viết thạo đã nói về loài vi khuẩn nào đó sống trong ruột con mối, vì loài vi khuẩn này tiết  ra emzime mà tạo ra điều kiện cho nấm mối mọc lên. Chịu! Người sành ăn chỉ biết nấm mối sẽ xuất hiện sau những cơn mưa đầu mùa và biến mất vào tháng 6 âm lịch trên những vùng đất xốp ẩm miền Tây. Dáng hình mập mạp với viền mũ trơn làng có màu nâu mỡ màng, nấm mối chẳng khác gì một thứ lộc trời ban cho người dân bên dòng sông Tiền, sông Hậu, mỗi năm xuất hiện khoảng 1 tháng để người thưởng thức. Dân sành chọn biết rõ ngày nào nấm mở, lúc đó viền búp căng mọng hết cỡ, phô phang màu nâu đất bóng mượt như một chú dế mèn đã vào độ trưởng thành. Lúc đó người ta kêu là nấm mở, nấm tán dù và rủ nhau đi hái. Theo thuyết dân gian, nhất thiết chỉ dùng tay hoặc đồ gỗ, đồ tre để thu hoạch nấm, chớ có dùng đồ kim loại, bởi hình như lũ mối dưới đất kỵ mùi kim loại nên sẽ bỏ đi, năm sau mất chỗ thu hoạch nấm.

Nhanh tay tt lộc trời 02

Ly kỳ như thế nên nấm mối càng kích thích cái thèm ăn của người sành điệu. Đợi suốt 1 năm dài chỉ để khi xuất hiện nấm mối là người ta đua nhau mua về thưởng thức. Món này đem xào là tuyệt nhất, chẳng cần gia vị gì vẫn ngon ngọt vô cùng. Đông người thì hẹn nhau chế nồi lẩu, nấm tươi rửa sơ sơ rồi cho vô lẩu, ăn tới đâu thấm tới đó bởi vị thanh mát, ngọt ngào, khác hẳn với các loại nấm nuôi trồng công nghiệp như kim châm, đùi gà, nấm hương…, dù các loại kia cũng đã ngon lắm rồi. Thưởng thức món trân quý chẳng thể ào ào, cũng không nên pha tạp với các loại thịt, cá khác bởi sẽ làm hỏng hương vị thuần khiết của món ăn. Đọc qua các trang ẩm thực dưỡng sinh, nấm mối được đánh giá cao bởi những vi chất chứa trong thân nấm, có ích cho sức khỏe, phòng ngừa ung thư hay chống bệnh tiểu đường… Nhưng đó là việc của các nhà nghiên cứu, còn dân sành ăn chỉ xuýt xoa bởi hương thơm kỳ diệu của loài nấm trời ban.

Có bà mẹ cẩn thận còn mua trữ nấm mối, làm sạch rồi cất ngăn đá ăn dần, mỗi lúc mang ra lại nghĩ thêm cách chế biến sao cho khác lạ. Từ món cháo để cả nhà ăn sáng cho tới món kho ăn cùng cơm buổi trưa, từ xào với thịt bò hoặc tôm cho tới nấu canh buổi tối, món nào cũng khiến lũ trẻ thích thú thưởng thức món mẹ làm. Cháo nấm mối là một sự kỳ lạ của ẩm thực miền Tây bởi chẳng cần ninh xương heo, chẳng cần thịt bằm hay tôm cá gì mà cứ nấu lên là ngọt vô cùng, lại thanh nhẹ. Từng miếng nấm trơn bóng trôi qua cổ họng là một lần được cảm nhận rõ rệt cái vị thơm của dòng nước nặng phù sa, vị nồng nàn của hương đất, hương nắng gió phương Nam… Bên cạnh các cách chế biến quen thuộc, nấm mối còn được các bà nội trợ khéo tay đem chế thành xôi, kiểu như món xôi nấm đang thịnh hành ở nhiều vùng. Nhà ai có chảo lớn thì nấm mối đổ bánh xèo cứ gọi là thơm nức mũi, nhất là khi bột gạo có trộn thêm bột đậu xanh để bánh xèo có đủ vị ngon ngọt của nấm, tôm hòa quyền. Tại các nhà hàng người ta vẫn thường chào mời thực khách bằng nấm mối xào mướp hương, xào tỏi, xào tôm, cũng có khi chế khác kiểu hơn với cách bạc giấy bạc rồi nướng, làm như vậy hương vị không pha tạp mà ăn cũng đỡ ngán, đủ cho ai đó thấy cuộc đời thêm đẹp nhờ lộc trời ban.

Nhanh tay tt lộc trời 03

Bởi xuất hiện thật ngắn nên nấm mối quý như vậy đó, cũng rất hiếm nên mỗi bữa ăn có nấm mối đều đáng trân quý không khác gì tình cảm thân thương mà mẹ cha trao tới con cái để mong chúng trưởng thành. Theo cơn mưa về tưới mát miền Tây, nấm mối từ đất mọc lên để nhịp sống phương Nam ngày thêm phong phú sắc những màu tươi tắn.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích