NƠI ĐẤT NỞ THÀNH HOA

Chuyên mục

Cách thành phố Phan Rang 10 km về phía Nam trên quốc lộ 1, Bàu Trúc được mệnh danh làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á, không chỉ bởi những sản phẩm thủ công độc đáo mà còn là một bảo tàng sống động về nền văn hóa Chăm Pa.

Theo truyền thuyết, ông Pô Klong Chanh, một quan cận thần của vua Chăm Pô Klong Giarai (1151 – 1205), được xem là ông tổ của nghề gốm vùng này khi đã chỉ cho người dân cách lấy đất sét làm nên những đồ vật sinh hoạt cách đây hơn tám thế kỷ. Để tỏ lòng biết ơn, dân làng lập đền thờ ông và thường cúng tế long trọng vào dịp lễ Katê hằng năm (khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch). Từ chỗ sản vật làm ra chỉ để sử dụng trong gia đình, theo thời gian, dân làng dùng để trao đổi, mua bán để rồi làng gốm Chăm ở Bàu Trúc ra đời từ đó.

Người Chăm sống ở Bàu Trúc theo chế độ mẫu hệ nên người mẹ trong gia đình chỉ truyền nghề làm gốm lại cho con gái. Vì vậy, các cô thiếu nữ khi bắt đầu 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề làm gốm. Chỉ vài năm sau đó, họ đã trở nên thuần thục như các mẹ, các chị. Điều đó lý giải cho việc vì sao nghệ nhân gốm ở Bàu Trúc chỉ toàn phụ nữ.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc đặc biệt hơn nhiều nơi khác ở chỗ được làm thủ công với cách pha trộn vật liệu khá công phu qua nhiều công đoạn. Chỉ có đất sét ở Sông Quao, nằm cách Bàu Trúc chừng một cây số mới có thể sử dụng được do  dẻo mịn. Những người đàn ông trong các gia đình có nhiệm vụ khai thác đất sét, thời gian kéo dài chừng nửa tháng. Thường thì khai thác đất một lần để dùng trong suốt  năm. Đất sét lấy từ sông về đập nhỏ, phơi khô, sau khi sàng kỹ để loại bỏ tạp chất đem ngâm nước trong hố được đào ở nơi thoáng mát. Một ngày sau vớt đất sét ra nhào trộn với cát mịn theo tỷ lệ riêng, không ai giống ai. Tiếp đó là nhồi hỗn hợp đất sét đã pha cát bằng chân cho đến lúc đạt độ dẻo cần thiết rồi cuộn thành từng lọn hình trụ và phủ lên trên bằng tấm vải lớn để ủ qua đêm.

Trải qua hàng trăm năm, thế nhưng việc chế tác gốm của những người phụ nữ ở Bàu Trúc vẫn theo cách truyền thống. Đó là không hề dùng bàn xoay mà cứ đi lùi quanh trụ đất để tạo dáng sản phẩm với sự khéo léo thuần thục đến mức điêu luyện. Họa tiết trang trí trên các sản phẩm được tạo hình từ que cây, vỏ sò… thường đơn giản không cầu kỳ nhưng lại toát lên một vẻ đẹp riêng, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Sau khi đã tạo hình, sản phẩm được phơi ngoài nắng khoảng 4 giờ rồi hong trong bóng mát 1 tuần mới đem đi nung.

So với nhiều nơi, cách nung gốm ở đây khá độc đáo và khác biệt khi nung ngoài trời chứ không cần lò. Dưới cùng là lớp củi dày chừng 2- 3 tấc, các sản phẩm được úp ngược xuống với nhiều lớp, sau đó phủ lên một rạ, trên cùng là lớp trấu mỏng. Với cách này, sản phẩm được trong vòng 6 giờ rồi tạm ngưng, chờ nguội, lấy ra để phun lên một lớp màu chiết xuất từ trái dông hoặc trái thị rừng rồi lại nung tiếp trong 2 giờ nữa là hoàn tất.

Gốm Bàu Trúc không thể lẫn lộn với các loại gốm khác nhờ các màu sắc đặc trưng đầy vẻ bí ẩn, lôi cuốn như đỏ hồng, vàng đỏ, vệt nâu, đen xám. Các sản phẩm ở đây dù phong phú mẫu mã, đa dạng về chủng loại, kích cỡ tuy nhiên do làm bằng tay nên mỗi tác phẩm gần như độc bản về kiểu dáng lẫn sắc màu. Có thể dễ dàng nhận ra điều này từ các đồ vật gia dụng như ly, chén, nồi, niêu cho đến tháp, tượng, phù điêu thần Siva…

Về với Bàu Trúc, nơi đất nở hoa từ những bàn tay khéo léo cúa các cô thôn nữ Chăm trong từng bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển tựa điệu múa Apsara, du khách có cảm tưởng như nghệ thuật và cuộc đời đang hòa quyện nên những giá trị văn hóa cần được bảo tồn và phát huy.

Bạn có thể thích