Bên dòng sông Cầu thơ mộng, thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội hơn một giờ xe chạy, làng gốm Phù Lãng đã từ lâu là điểm đến thú vị của giới nhiếp ảnh, họa sĩ, cũng là bối cảnh quen thuộc để các đạo diễn phim truyền hình, phim ca nhạc tìm tới đặt máy quay. Đơn giản vì dù nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ làng đã hóa phố từ lâu, nhưng Phù Lãng dường như còn nguyên vẹn hình dáng của vài trăm năm trước.
Sử cũ còn ghi lại, tổ nghề gốm của làng là ông Lưu Phong Tú, vào triều Lý ông đã đi sứ sang Trung Quốc, tại đó ông đã học được nghề và truyền lại cho dân làng khi về nước. Cùng đi với ông còn có 2 người khác, họ đã dừng chân tại nơi mà sau này vẫn còn giữ nghề xưa, đó là Thổ Hà và Bát Tràng. Lịch sử thăng trầm dù có tạo ra biến động ở nơi đâu, nhưng trong tâm thức người làng nghề thì gốm luôn là giấc mơ, là khát vọng của dân làng. Khác với Thổ Hà sau này chuyển hẳn sang nghề khác và Bát Tràng đã hóa thành trung tâm thương mại du lịch hiện đại, Phù Lãng cho tới nay còn nguyên vẹn sắc đỏ của mái ngói cổ, còn nguyên dải đường đê quanh co, trên đó xếp những khối củi đều chằn chặn mà theo cách nói của người làng là những “téc gỗ”. Chính những khối gỗ này là bối cảnh tuyệt vời cho người yêu nhiếp ảnh, cũng là nguồn để khơi lên ngọn lửa thuần khiết để hóa đất sét thành chất gốm nâu đỏ mộc mạc rất đậm hồn quê.
Sau hơn 800 năm, hồn phách của làng nghề vẫn đằm thắm như xưa, sản phẩm của làng vẫn là các vật dụng quen thuộc của đời thôn dã. Đó là các loại bình, khạp, lu, chum đựng nước, tiểu sành…, nói chung là những thứ đồ xưa kia vẫn bắt gặp ở khắp mọi nẻo thôn quê Bắc Bộ. Với chất đất sét đỏ và dùng men đốt từ cây rừng, vôi sống, bùn sông…, gốm Phù Lãng có đặc trưng là cốt dầy nặng, cứng cáp, càng dùng lâu càng ánh lên sắc nâu da lươn cổ kính hoặc màu đỏ sậm của hàng tường gạch cổ lão bên chùa. Khác với đồ gốm Bát Tràng có cốt mỏng manh, men sáng bóng, dáng tinh tế và có hình vẽ, bài thơ hoặc lạc khoản bằng chữ nho cầu kỳ, gốm Phù Lãng thô mộc như chính người con gái thôn quê chưa từng biết tới nhịp đời đô thị. Nhưng chính điều này lại tạo nên cái duyên thầm của gốm sành Phù Lãng, càng ngắm càng yêu, dù để lăn lóc ngoài vườn hay bày trong nhà cũng đều khiến không gian thấm đượm một tinh thần Việt cổ.
Truyền thống của làng là dùng lò rồng, một loại lò đắp ngang khá dài. Bằng kiểu lò này và dùng củi đốt, mỗi mẻ lò thường cho ra đời nhiều sản phẩm có độ cứng, độ chín khác nhau. Sản phẩm nào ở cửa lò, nơi gần lửa nhất thường chín đanh, còn càng về sau càng hấp thụ ít nhiệt hơn nên có thể không được già gốm lắm. Nhưng đó cũng là nguyên nhân khiến gốm Phù Lãng có cái duyên tự nhiên, rất được giới nghệ sĩ ưa chuộng bởi vẻ độc đáo và tính độc bản của từng chiếc bình, lọ thô ráp. Đã có lúc tưởng như nghề mai một, đã có thời kỳ gốm sành Phù Lãng chẳng bán được cho ai bởi các loại đồ nhựa, inox, gốm sứ công nghiệp tràn lan khắp các cửa hàng, chợ quê, siêu thị. May sao, bằng bàn tay, khối óc nhanh nhạy, người Phù Lãng từ hơn 20 năm nay đã uyển chuyển cách tân gốm của mình từ thô mộc trở thành tác phẩm nghệ thuật, đẹp và vẫn mang hồn phách Việt Nam.
Đó là các loại bình, lọ được cách điệu, đắp nổi hình cây đa, bến nước, con đò, trẻ mục đồng chăn trâu, hình thiếu nữ… lên thân gốm. Cũng có một số gia đình thích tạo dáng rất lạ cho đồ của mình bằng cách khoét các khuôn miệng, gắn vòi, gắn họa tiết kỷ hà hoặc đồ án zic-zac bao quanh khiến mỗi sản phẩm đều chứa đựng tư duy mỹ học khá hiện đại trên thai cốt cổ truyền. Cộng thêm sự sáng tạo được truyền từ các họa sĩ trẻ vẫn thường về làng thực tập dài hạn, người Phù Lãng ngày nay có thể coi là các nghệ nhân dân gian đầy ngẫu hứng, mỗi ngày họ lại cho ra đời các tác phẩm thiên về tính thưởng ngoạn và sưu tầm hơn công năng sử dụng đơn thuần. Những chiếc bình, lọ đó ngày nay rất được ưa chuộng cho trang trí sân vườn, ngoại thất của các café vườn, khu sinh cảnh, khu vui chơi sinh thái cũng như tư gia. Thoát thai khỏi công năng đựng vật dụng tầm thường, gốm Phù Lãng có thể ví như nàng Tấm đằm thằm trong cổ tích ngày xưa, sau bao long đong đã được trở về là hoàng hậu, tận hưởng hạnh phúc trọn đời trong chốn lầu son.
Tới Phù Lãng để thử nặn, vuốt là cái thú của giới trẻ khắp nơi tìm về. Đến đây cũng còn để được ngắm cảnh thôn quê yên bình với những mảnh sân ngập tràn sắc sành nâu đỏ, Phù Lãng hấp dẫn du khách chính bởi sự bình yên và mộc mạc của mình. Một ngày lang thang giữa các con đường nhỏ trong làng, đùa cùng lũ trẻ và cùng người dân thưởng thức bữa cơm quê trong làn gió mát thổi từ sông Cầu, cái thú ấy thật khác với những chương trình du lịch thời thượng trên thành phố, nhưng chắc hẳn thử một lần sẽ chẳng thể nào quên.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.