NƠI KHỞI LÊN CƠN GIÓ TÌNH THƯƠNG

Chuyên mục

Có ai trên đất nước này không từng biết tới những chiếc quạt tay, ngay cả trong thời hiện đại, khi mà máy lạnh ngự trị khắp nơi thì đâu đó, trên hẻm thành phố, trong làng mạc xa, trên những con thuyền bập bềnh sông nước vẫn thấp thoáng những chiếc quạt, vật dụng thân thuộc của con người. Nhất là ở miền Bắc, chiếc quạt đã từng là vật dụng thiết thân, không chỉ làm mát mà còn mang tính trang trí hệt như ngày nay người ta đeo túi, choàng khăn vậy.

Món đồ thủ công này có nhiều loại, nào là quạt cỡ đại nhà giàu xưa treo trên xà, có dây kéo, mỗi khi chao đảo sẽ tạo ra cơn gió lộng khắp gian phòng. Rồi quạt mo nang được chế từ bẹ cây cau, nhưng phổ biến nhất là quạt nan và quạt giấy. Quạt nan đan từ nan tre, khổ lớn, khá tiện dụng cho gia đình và cũng là nỗi ám ảnh của lũ trẻ ngày xưa, bởi ai mà chẳng từng bị vụt vài nhát tội trốn học hay chọc quậy xóm làng. Quạt giấy có phần tinh tế hơn, nhẹ nhàng hơn, có những xương quạt bằng cật tre vót mỏng, hai nan ngoài cùng cầm lâu lên nước bóng loáng màu vàng nâu. Chỉ với hai loại quạt này mà hàng vạn, hàng triệu gia đình Việt đã có được chút gió mát cho mình vào những ngày oi bức. Thời xa xưa điện lúc có lúc không, có cái cực nào bằng buổi tối mùa hè, trẻ không ngủ được quấy khóc, người lớn mệt mỏi cũng khó tìm giấc ngủ khi trời không ngọn gió. Có biết bao người bà, người mẹ, người chị đã kiên nhẫn phe phẩy quạt để ru giấc ngủ cho đàn trẻ nhỏ trong nhà. Tiếng kẽo kẹt đều đều của cây quạt thong thả đưa, làn gió nhẹ phe phẩy tuy không mạnh những cũng đủ làm không gian lay động, cộng thêm tiếng ru ầu ơ như thoảng về từ ngàn xưa, những câu chuyện cổ tích của bà lúc nào cũng bắt đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa…”

Nha Đam Thái Sơn – Nơi Khơi Lên Ngọn Gió Tình Thương - 02

Ngày xưa người ta ra khỏi nhà thường tiện tay cầm theo chiếc quạt, gặp lúc nắng xiên hàng rào mở ra che, cũng có khi ngồi chơi hóng mát hiên nhà hàng xóm cũng phe phẩy quạt. Quạt cũng như các vật dụng khác, có thứ cầu kỳ tỉa tót, có cái đơn giản thô mộc, tùy theo phẩm cấp trong xã hội mà dùng. Hiện hữu ở khắp mọi nơi, nhưng không phải ai cũng biết tới quê hương của quạt ở vùng đất Hà Tây trăm nghề. Đã từng hưng thịnh rồi cũng lặng lẽ thu nhỏ quy mô, làng Vác và Chàng Sơn là hai thủ phủ của quạt cho tới nay vẫn lưu giữ nghề tổ, dù ít hay nhiều hộ theo nghề nhưng niềm tự hào của người dân trong làng thì chẳng bao giờ phai nhạt, bởi làm được chiếc quạt cong tròn nửa vầng trăng đâu phải chuyện dễ dàng.

Người Vác cho tới giờ vẫn còn lưu truyền câu chuyện về chiếc quạt giấy dài tới 80cm, hai gọng ngoài chuốt từ sừng trâu, bên trong phất lụa, tác phẩm tuyệt đẹp đã dâng tặng tới Hồ Chủ tịch năm nào. Cho tới nay người làng vẫn tâm đắc với dòng quạt giấy châm kim, kỹ thuật châm độc nhất vô nhị khiến chiếc quạt khi mở căng, giơ cao nhìn ngược lên trời sẽ thấy rõ đôi rồng chầu cân xứng, mà tất cả đều do thủ pháp châm tinh luyện không cần vẽ nét phác. Quạt giấy có tốt hay không dựa vào kỹ thuật chuốt cật tre sao cho vừa mỏng vừa bền, phất giấy sao cho nếp xếp thẳng thớm, có dùng lâu cũng không rách giấy. Xưa các tài tử văn nhân vẫn thường mang theo cây quạt chuốt từ ngà hoặc xương, trạm trổ tinh xảo, mặt giấy có vẽ tranh hoặc đề bài thơ. Sau này những hình ảnh đó đã đi vào dĩ vãng, để lại trong nền văn hóa dân gian những tích truyện đẹp và lãng mạn để bao cô gái phải ước ao.

Nha Đam Thái Sơn – Nơi Khơi Lên Ngọn Gió Tình Thương - 03

Cũng cách Vác không xa là làng Chàng Sơn kề sát bên chùa Tây Phương, có lẽ cũng chính là nơi mà cụ Nguyễn Tuân đã nhắc tới khi tả trong truyện “Trên đỉnh non Tản” đầy chất thần tiên mộng ảo. Người Chàng Sơn xưa giỏi nghề chạm khắc gỗ, cũng nổi danh với những chiếc quạt đậm chất thơ. Xưa ai được sở hữu chiếc quạy mỏng tang có hoa văn ép nổi là danh giá lắm, bởi nó là tác phẩm của những tay nghề tuyệt khéo. Nan tre phải lựa loại tre đực vừa cứng vừa dai, giấy phải dùng giấy điệp mua từ làng Hồ. Mở quạt ra mà như ngắm một bức tranh, khi xếp lại thanh nhã như một cây bút của tao nhân mặc khách. Đi vào làng ngày khô ráo, khách sẽ mê mẩn với những bức tường treo đầy quạt, rồi những khoảng sân có dây thép phơi quạt dọc ngang. Các cô cậu bé ở làng tay thoắn thoắt phết giấy, đám thanh niên mỗi khi ngồi xuống với con dao chuốt trong tay sẽ làm như múa, nan tre trắng bóc, giấy phất màu tím tươi màu, rồi những hình phong cảnh núi non, hoa bướm cứ dần hiện theo tay người vẽ. Chẳng cần đi học trường mỹ thuật họ cũng có thể tạo ra phong cảnh tốt tươi, cũng không nhất thiết phải phác thảo, người Chàng Sơn ai cũng cho bướm lượn, chim bay, hoa nở đủ màu trên nền giấy.

Nghề quạt Chàng Sơn ngày nay làm sản phẩm không hẳn do nhu cầu quạt mát mà chủ yếu tạo ra các sản phẩm trang trí gia đình. Cỡ nhỏ, cỡ to, những chiếc quạt hình nửa vầng trăng sẽ từ ngôi làng hiền hỏa tỏa đi muôn hướng. Ngắm những chiếc quạt này, lòng người sẽ chợt nhớ về cơn gió ngày xưa, ngọn gió đầy tình thương yêu mà ngày nào đó bà, mẹ hay chị đã từng quạt cho mình.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích