Có lẽ không gì gần gũi với người Việt hơn hình ảnh chén cơm, hạt gạo. Gắn bó đến mức khi nói đến bữa ăn thì quen miệng gọi là bữa cơm. Thật là vậy, chỉ trừ những ngày đám tiệc, còn lại quanh năm suốt tháng dù có đi đâu, làm gì cũng không thể thiếu vài ba miếng cơm cho chắc bụng. Quen thuộc đến nỗi trở thành những câu nói cửa miệng của không ít người như: Miếng cơm manh áo, Cơm lành canh ngọt, Cơm với cá như má với con…
Hằng năm cứ sau mùa gặt, cho dù mùa màng có như thế nào đi nữa, mỗi gia đình ở quê đều chuẩn bị một mâm cơm tươm tất cúng mừng gạo mới. Khác với mâm cơm ngày Tết, mâm cơm mừng gạo mới trước để tạ ơn Trời đất về vụ mùa đã qua, sau là cầu mong cho năm nay mưa thuận, gió hòa, lúa thóc tránh được sâu rầy, dịch bệnh… Gạo mới được bụm (dùng hai tay mà hốt lấy gạo) chừng năm, bảy bụm vô nồi để nấu. Bởi người dân quê quan niệm lúa gạo đầu mùa không cần đong đếm chính xác để mùa sau cũng được bội thu như vậy. Bữa cơm mới cũng chẳng quá cầu kỳ, chỉ cần mấy món thông thường như món mặn, món canh, món xào… điều quan trọng là mỗi chén cơm phải được bới thật đầy. Khó tả nhất là cảm giác háo hức, đợi chờ từ lúc gieo cấy, chăm bón, phân thuốc… cho đến gặt hái, xay giã, sàng sảy…để có được chén cơm gạo mới. Cả gia đình quây quần bên nhau, bưng chén cơm trắng tinh, mùi vị thơm ngon khiến những nhọc nhằn như tan biến.
Hơn thế nữa, bữa cơm gạo mới còn là phong tục truyền thống, một nét đẹp văn hóa để ta được hiểu hơn về nguồn cội của cuộc sống thuở ban đầu gắn liền với nền văn minh lúa nước của các bậc tổ tiên. Ông bà vẫn luôn căn dặn con cháu rằng cơm là hạt ngọc trời ban qua công sức cha và sự cần cù của mẹ cho nên không được phung phí khi đã no đủ, ngược lại phải biết nâng niu, trân trọng từng hạt ngọc ấy.
Mà có sai đâu, ở Miền Tây sông nước có giống lúa nổi tiếng từ bao đời nay có tên lúa trời (có nơi còn gọi là lúa nước). Đây được xem như biểu tượng của lưu dân thuở khai hoang mở cõi luôn biết cách tồn tại, thích nghi giữa những khó khăn, hiểm nguy nơi vùng đất lạ lẫm lúc ban sơ. Tự nảy mầm, lớn lên, làm đòng, trổ bông mà không cần bàn tay con người gieo trồng, chăm bón… Đồng thời giống lúa ấy như món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho những con người miệt này.
Năm nào cũng vậy, khi mùa lũ tràn về (khoảng tháng 7 âm lịch) cũng là lúc những cây lúa trời vươn lên mạnh mẽ. Nước dâng lên tới đâu, lúa mọc cao lên chừng đó. Cây lúa cao năm, bảy mét là chuyện thường. Tới tháng 9 lúa trổ bông, vài tuần sau thì bắt đầu chín. Nhưng chỉ chín 1- 2 hạt mỗi ngày, mất khoảng 2 tuần thì lúa mới chín hết. Khi chín, những bông lúa thẳng đứng theo thân chớ không cong hình vòng cung như các loại lúa khác. Lúa chỉ chín vào ban đêm, nên chỉ thu hoạch vào lúc tờ mờ sáng bởi khi nắng lên cao những hạt lúa sẽ tự rụng rồi chìm xuống nước hoặc trôi dạt, phát tán khắp nơi. Lúa trời mọc giữa cánh đồng mênh mông nước nên khi thu hoạch chỉ có thể dùng xuồng với tấm phên dựng ở chính giữa cùng hai chiếc sào tre cặp ở hai bên. Chiếc sào có tác dụng đập những bông lúa vô tấm phên để những hạt chín rơi xuống. Chống xuồng đi từ lúc gà gáy đến mặt trời ló dạng cũng là lúc lúa rụng đầy xuồng.
Hạt gạo từ lúa trời màu trắng ngà, là loại gạo ngon hảo hạng, khó có giống lúa nào sánh được. Thời gian để nấu chín nồi cơm phải gấp ba lần bình thường do hạt gạo chắc, lâu chín. Nhưng bù lại cơm không chỉ hậu ngọt, mùi thơm mà có cả vị béo. Tới chừng lũ rút cũng lúc những cây lúa trời lụi tàn dần, những hạt rơi vãi nằm im trong đất, đợi tới mùa sau.
Cũng chỉ là cơm được nấu từ hạt gạo nhưng tùy từng nơi cơm lại trở thành những món ngon quê Việt khi kết hợp với đặc sản, gia vị như: cơm lam Tây Bắc, cơm cháy Ninh Bình, cơm hến Huế, cơm gà Hội An, cơm tấm Sài Gòn… Đó là chưa kể đến nhiều món ngon quê Việt khác cũng được sáng tạo từ những hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm như: phở, bún, hủ tiếu, bánh canh, bánh tráng, bánh căn, bánh xèo…
Cho dù cuộc sống có nhiều đổi thay thì những hạt ngọc trời vẫn còn nguyên đó những giá trị đáng trân quý. Bởi những bông hạt ấy không chỉ mang lại sự ấm no, phồn thịnh cho người Việt hôm nay mà còn là thứ có thể nối kết những thành viên trong gia đình ngồi lại bên nhau, để cùng san sẻ những vui buồn sau mỗi ngày làm việc.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.