XANH LŨY TRE LÀNG

Chuyên mục

Từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng có bóng dáng những lũy tre xanh tươi suốt bốn mùa. Nơi vùng cao, tre trúc bạt ngàn trên núi đồi, đèo dốc. Miệt đồng bằng luôn có những lũy tre nơi đầu làng, dọc theo triền đê gìn giữ đất đai, bảo vệ thôn xóm.

Bao đời nay, lũy tre luôn là hình ảnh thiết thân, gắn liền với cuộc sống của mỗi người dân Việt. Ngay từ thuở khai hoang mở cõi, đến lúc dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm:

“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”

Tre giữ nước, giữ xóm làng, giữ mái nhà, giữ đồng lúa chín để người dân Việt được ấm no, hạnh phúc. Sử sách dân tộc đã từng ghi dấu chiến công hiển hách của Vua Ngô Quyền khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng với những cọc tre biến thành trận địa. Cũng chính những ngọn tầm vông thô sơ từng góp phần giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Tre còn tượng trưng cho phẩm chất, khí phách của những người dân Việt: hiền hòa, nhẫn nại, bao dung nhưng khi cần luôn biết đoàn kết, vươn lên trước những nghịch cảnh.

Tre gắn bó với mỗi đời người từ thuở nằm nôi đến tận lúc bách niên giai lão. Tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên từ thôn quê luôn gắn với nhiều kỷ niệm cùng lũy tre làng. Từ con đường đến trường rợp bóng những hàng tre, đến ngày hè chơi đùa dưới tán tre xanh, là những thứ đồ chơi làm từ tre trúc hay những món ăn từ măng tre ngon tuyệt vời qua bàn tay của mẹ. Tre gần gũi, thân thương và có ích như vậy nên ở thôn quê gần như nhà nào cũng trồng tre trước ngõ hoặc sau hè.

mon-ngon-que-viet-xanh-luy-tre-lang 02

Từ gốc đến ngọn, từ thân đến lá của loài cây này đều có thể sử dụng nên chẳng lấy làm lạ khi cuộc sống của người dân quê luôn gắn liền với tre. Tre làm nên ngôi nhà che nắng che mưa với cột, kèo, phên, liếp tre đan. Là nông, ngư  cụ với quanh gánh, cán cuốc, đòn càn, đòn xóc, lờ, lợp, ống trúm, thuyền thúng, thuyền nan, cần câu, nơm, đó… Đồ dùng trong nhà làm từ tre thì chẳng thể nào kể cho hết như: gường, chõng, tủ chạn, bàn ghế, nong, nia, thúng, mủng, dần, sàng, rổ, rá, đũa bếp, đũa tre… Thân tre làm nên nhịp cầu nối những bờ vui. Không chỉ vậy, tre còn góp phần làm nên những giá trị tinh thần với sáo diều, ống tiêu, khèn, đàn tơ rưng, xích đu tre, cà kheo, cột cờ lễ hội hay cây nêu ngày Tết… Đó còn là nhiều câu chuyện cổ tích nhắc đến cây tre cùng những bài học ý nghĩa như Thánh Gióng, Cây tre trăm đốt, Nàng Út ống tre… 

Lũy tre như chiếc quạt khổng lồ giúp xua tan cái cái oi bức của ngày hè bằng cơn gió trong lành, mát rượi. Khi trời vào đông, lũy tre lại hóa thành tấm bình phong ngăn những cơn gió rét mướt thổi vào xóm thôn. Chính những lũy tre cho bóng mát ngày nắng lại đan chặt lấy nhau chở che xóm làng trước những trận mưa bão, cuồng phong. Hơn thế nữa, lũy tre làng như một ranh giới của những xóm thôn với thế giới bên ngoài. Trong lũy tre là cuộc sống yên bình của người dân quê với đất lề quê thói, còn phía bên ngoài là ruộng lúa, nương khoai. Để rồi hình ảnh lũy tre cùng cổng làng, bến nước, con đò, cánh đồng… trở nên những biểu tượng không thể thiếu của làng quê Việt.

Những lũy tre làng mãi luôn còn đó như hình ảnh thân thương gắn liền cùng đất nước, quê hương. Để rồi dù có bôn ba tận chân trời, góc bể nơi nao cũng chợt ấm lòng khi ta bắt gặp hình bóng cây tre giữa nơi đất khách, quê người…

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích