HẠT GẠO LÀNG TA

Chuyên mục

Ai lớn lên mà không nhớ tới câu thơ đẹp như đồng dao của Trần Đăng Khoa: “Hạt gạo làng ta, có vị phù sa của sông Kinh Thầy…”. Những câu đồng dao đẹp như cổ tích đó đã vụt đưa ông trở thành nhà thơ sáng giá nhất trong những năm đất nước còn chìm trong lửa đạn, nhưng thật ra trong tâm khảm người Việt từ nghìn đời nay, hạt gạo lúc nào cũng được trân quý như ngọc, bởi từ hạt gạo quê mùa đó mà nuôi dưỡng biết bao thân phận con người.

Dù là các nhóm người sinh trưởng trên vùng đồng bằng được hình thành từ các con sông lớn hay nương theo cơn sóng miền duyên hải để vượt trùng dương, dù là cộng đồng sống rải rác trung du miền núi hay trên hải đảo, đã mang dòng máu Việt trong người, đã cùng chung mảnh đất quê hương thì dân tộc anh em nào của đất nước cũng sống nhờ hạt gạo. Chỉ khác biệt đôi chút là cộng đồng cư dân Mường – Thái từ xưa vốn ưa chuộng gạo nếp và bản thân người Kinh trước đây cũng chỉ ăn đồ nếp, chỉ sau khi du nhập hạt gạo tẻ từ Champa vào trồng mới hình thành nên khái niệm gạo chiêm (Chiêm Thành). Chữ này dùng lâu thành quen thuộc, để giờ người ta vẫn nói tới hai vụ chiêm mùa nhưng rất ít người biết được cội nguồn của nó. Hạt gạo tẻ đến từ xứ sở Champa xa xôi được nhanh chóng thừa nhận bởi năng suất cao, khả năng chịu hạn, chịu úng tốt hơn gạo nếp, ăn nhiều không chán nên lập tức được người Việt hân hoan nâng lên thành báu vật trời ban. Trồng lúa nước và định cư theo tổ hợp làng, từ khởi nguyên đó mà tạo thành một tính cách dân tộc hiền hòa, yêu thương gắn kết quê hương, đùm bọc che chở cho nhau nhưng cũng rất can đảm chống trả các cuộc xâm chiến bên ngoài. Điều này thật khác với tính cách của các dân tộc du mục, quen ăn thịt và sữa, di chuyển thường xuyên theo mùa chăn thả, ở họ tính cách hướng về cội nguồn là một điều gì đó thật xa vời.

mon-ngon-que-viet-hat-gao-lang-ta 02

Từ hạt gạo ban đầu mà tỏa đi mỗi miền, gặp các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau mà sinh ra các dòng khác biệt. Người lớn tuổi cho tới nay vẫn còn hoài niệm về một mùi hương thần kỳ của gạo tám xoan Hải Hậu. Ngay cả có mua gạo Hải Hậu bây giờ nấu lên, các cụ già vẫn lắc đầu bảo không bằng ngày xưa. Lứa chúng tôi lớn lên ở thời hậu chiến, khi đó nền kinh tế đã khởi sắc và cũng được ăn đủ các loại gạo trên đời nên không thể tưởng tượng ra mùi thơm quyến rũ đó ra sao nữa. Nghe nói chỉ ở vài cánh đồng bờ xôi ruộng mật của vùng đất Hải Hậu đó mới sinh ra chất gạo ngon ngọt như cổ tích. Nhưng có sao đâu, bởi bù lại trên đời còn nhiều lắm các loại gạo ngon lành khác. Chỉ cần vào mạng tìm kiếm, ta sẽ thấy được cả chục loại gạo quen thuộc, nào tám xoan, tẻ Điện Biên; bắc hương; hương lài… Hình như theo tài liệu của Trường Đại học Cần Thơ đã từng công bố, Việt Nam có tới vài trăm loại gạo mà loại nào cũng có thể trở thành mũi nhọn kinh tế cho đất nước. Chả thế mà từ một quốc gia nghèo, Việt Nam bỗng vụt đứng lên thành quốc gia thứ 3 về xuất khẩu gạo. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay miền Nam, những thửa ruộng trù mật miền Bắc, rồi những khoảnh ruộng thấp thoáng dưới chân dải Trường Sơn… ngày đêm thầm lặng hút dưỡng chất của lòng đất mẹ, đón ánh nắng chan hòa của bầu trời để sinh ra chất nhựa thơm cứ lặng lẽ tụ về thành đòng rồi cứng dần thành tinh chất bột. Nhưng với người sành ăn, đôi khi nhân chuyến đi đâu đó, họ phải tìm cho bằng được những túi gạo chứa đựng huyền thoại vùng miền. Có không ít huyền thoại gạo kiểu như vậy, nào là “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, rồi gạo Ngọc Linh được trồng trên những thửa ruộng giữa rừng sâm Ngọc Linh quý báu vô ngần… Chỉ riêng hương vị thôi đã nhiều loại, nói gì đến hình thức và màu sắc. Cũng là gạo nhưng có giống cho ra gạo huyết rồng màu đỏ, quý tới mức trở thành quà tặng nhau của người Phú Yên. Cũng có màu đỏ nhưng lại được trồng ở vùng Óc Eo, An Giang và vinh dự mang tên hồng ngọc. Rồi gạo cẩm có màu đen nhung, thoạt nhìn khó có cảm tình nhưng càng ăn càng thấy dậy lên vị thơm, bùi như chứa đựng trọn vẹn hương phù sa, hương nắng, mùi mưa rào đổ xuống cánh đồng khi nghe sấm gọi… Đã qua rồi cái thời mà người ta thích nâng chén cơm trắng ngần, bởi sau này người thành phố mới nhận ra, gạo càng trắng chứng tỏ được xa xát càng nhiều, mà khoa học sau này đã chỉ ra điều đó vô hình chung là bỏ phí một nguồn dưỡng chất quý của đất trời trao tặng ở lớp màng cám bên ngoài.

mon-ngon-que-viet-hat-gao-lang-ta 03

Đúng thật là cây lúa chẳng bỏ phí phần nào. Thân rơm rạ đem cho trâu bò ăn, vỏ trấu dùng đun bếp, còn phần vỏ cám thoạt nhìn không đẹp mắt hóa ra lại hàm chứa những vitamin và dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe con người. Từ đó mà sau này câu chuyện gạo lứt ra đời, ban đầu chỉ hạn hẹp trong cộng đồng thực dưỡng, sau mở rộng thành trào lưu ẩm thực đầy khôn ngoan và tinh tế của người Việt. Gạo xay xát nhẹ, kiểu mà người Bắc gọi là xa dối, sẽ giữa được nguyên lớp màng cám bên ngoài và khi nấu sẽ thành loại cơm có màu nâu mịn màng, vị ngọt, vị bùi nhiều hơn hẳn gạo xay xát kỹ. Chứa nhiều hàm lượng vi chất magie; sắt; canxi, hàm chứa đạm; chất xơ và tinh bột, gạo lứt vô cùng hữu ích cho sức khỏe, đặc biệt phù hợp với những ai đang muốn tìm thấy sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Cũng thật lạ khi cho tới nay đất nước chưa có một cuộc festival nào tôn vinh hạt gạo, nhưng cũng không sao, bởi “cơm tẻ mẹ ruột”, dân tộc này đã và đang lớn mạnh chính nhờ báu vật trời ban ấy, và hạt gạo, chẳng cần đến lễ tôn vinh nào cũng luôn nằm trong trái tim của mỗi con dân người Việt, dù đang sinh sống ở phương trời nào.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích