HẠT NẾP DẺO THƠM

Chuyên mục

Đã lớn lên ở miền Bắc hay đã có dịp dạo chơi đất Bắc, có mấy ai không từng thấy lòng mình rung động nhẹ nhàng khi cầm trên tay nắm xôi nếp dẻo thơm? Nhất là ngày xưa, khi những quán phở, bún… chưa nhiều như bây giờ thì xôi nếp là món ăn sáng thịnh hành nhất trên mọi nẻo đường. Còn nguyên vẹn trong hồi ức của những người Hà Nội lứa trung niên nhớ về hình ảnh nắm xôi bọc trong mảnh lá sen mùa hạ, rồi xôi bọc bằng chiếc lá bàng to đỏ rực mùa đông, buộc bằng cọng rơm vàng óng còn thơm mùi nắng đồng chiều. Ngày đó chẳng ai dùng túi nhựa, cũng không ai biết tới hộp xốp, chính vì vậy mà xôi, cái món ngon quê Việt ấy, lại mang hương vị thật khó quên.

Trong các món ăn miền Bắc thì xôi có lẽ là món được coi là dung dị nhất nhưng cũng quý phái và sang trọng vào bậc nhất. Phần quý bởi trên các cánh đồng Bắc Bộ, ít khi người nông dân dám đem toàn bộ ruộng của mình gieo lúa nếp, bởi năng suất thấp và nếp chỉ dùng cho các dịp lễ lạt, giỗ chạp. Sau này khi đời sống đổi thay, gạo nếp cũng theo đó mà thành bình dân hơn, cũng vì thế mà nuôi dưỡng giấc mộng đến trường của hàng triệu con người trẻ tuổi. Xưa cũng như nay, xôi bán ở từng góc phố, lặng yên dưới gốc bàng, nép sau cột điện, khuất trên thềm nhà ai đó, xôi chẳng mấy khi ồn ã trong cửa hiệu sáng đèn. Mỗi người bán đều có một chỗ riêng và có khách quen. Thân thuộc nhất vẫn là những thúng xôi sớm, ở đó tấm vỉ buồm dày cộm che trên tảng xôi lúc nào cũng bốc hơi nóng hổi. Xôi trắng, xôi đậu xanh, xôi lạc được làm quanh năm, xôi đỗ đen thường ngon nhất vào mùa hè, khi những vườn đỗ đen trồng trên vùng bãi bồi sông Hồng chín rộ. Nhắc tới xôi đỗ đen mới nhớ, thường người Hà Nội rất chuộng việc mua thêm chai nước đun từ hạt đỗ đen. Buổi sớm tinh sương, có gì thú bằng nhón từng mẩu xôi chấm muối vừng, thỉnh thoảng chiêu giọng bằng thứ nước đen sánh mà ngọt ngào khôn tả đó. Đỗ đen giúp mát gan thanh nhiệt, vị thanh tao, quả là món quà quý mà thiên nhiên trao tặng cho con người nước Việt.

Xưa người Bắc ăn khá thanh đạm trong bữa sáng, cốt điểm tâm dằn bụng để tới nơi đi học, chỗ làm ăn, vì thế thường ăn xôi với muối vừng, đôi khi thêm ruốc đã là sang trọng. Khác với ngày nay xôi được bán kèm giò chả, trứng kho, lạp xưởng, chả mực… Đành rằng có nhu cầu thì người bán sẽ chiều theo ý khách, nhưng người Bắc cổ vẫn chuộng xôi ăn theo lối thanh nhã với muối vừng hơn. Hoặc với một chút cá kho, đây lại là khẩu vị được du nhập từ miền biển Hải Phòng về. Có ăn như vậy mới thấm trọn vẹn vị ngọt ngào của hạt gạo nếp dẻo thơm, nhẩn nha thêm cái vị mặn mặn, bùi béo của hạt vừng. Ăn xôi phải dùng 5 đầu ngón tay mới thú, vừa cảm được độ dính vừa phải, vừa thấy sự mềm mại của những hạt nếp mềm dẻo, báu vật của đất trời. Có lẽ xưa người ta sống gần gũi với thiên nhiên nên mới chuộng hình thức ăn rất dân dã đó, nhưng đố ai từ bỏ được thói dùng tay ăn xôi. Cũng hệt như cố nhà văn Vũ Bằng đã viết trong tùy bút Miếng ngon Hà Nội khi nói về thú thưởng cốm mùa thu: “Ăn miếng cốm cho ra miếng cốm, người ta cũng cần phải tỏ ra một chút thanh lịch, cao quý! Phải biết tiếc từng hạt rơi, hạt vãi và nhất là phải ăn từng chút một, lấy ngón tay nhón từng chút một, chứ không được phũ phàng”.

Ngày lễ Tết, các gia đình lại kỳ công tìm mua cho được quả gấc nếp, trái căng mọng, bổ ra óng ánh sắc đỏ mê hồn. Xôi Gấc đã từ lâu trở thành vật phẩm mang ý nghĩa của hạnh phúc đoàn viên, của lễ vật trân quý mà con cháu dâng lên tiên tổ. Màu đỏ của xôi Gấc thật tiệp màu với cặp câu đối treo hai bên gian thờ, càng ăn nhập với mùi khói hương ngát bay trong gió xuân dịu nhẹ. Khi nén xôi, người ta sẽ dùng khuôn khắc hình chữ Thọ hoặc hình hoa và càng ngắm đĩa xôi Gấc đỏ cạnh gà luộc màu vàng cùng cặp bánh chưng xanh, lúc đó lòng người càng thấy mến yêu hơn niềm hạnh phúc giản dị dưới mái nhà đoàn viên xum họp.

Mỗi mùa một kiểu cách, tới dịp thu hết đông về cũng là lúc các bà nội trợ mua sắn về làm món xôi sắn để chiêu đãi chồng con. Còn gì tuyệt bằng mùi thơm nức của nếp quyện cùng mùi sắn chín, từng khúc sắn bở tơi sẽ làm thăng hoa hơn vị bùi của nếp dẻo thơm. Ăn xôi sắn hợp nhất với mỡ hành, có thể thêm chút tôm khô khi phi hành, món ăn này đã đi theo giấc mộng nhớ nhà của biết bao đời người trên con đường lữ thứ. Béo và ngậy hơn là xôi xéo, xôi ngô rưới nước mỡ, món này thường giới trẻ chuộng bởi hương vị ngọt ngào và cũng phù hợp với lứa tuổi cần nhiều năng lượng cho vận động. Người lớn tuổi thì khác, ưa thích những món thanh đạm hơn nhưng chứa đựng đầy đủ hương vị quê hương.

Lên tới miền trung du, khách lãng tử nào có thể cầm lòng trong ánh mắt đa tình của các nàng sơn cước đồ chõ xôi trám mời khách. Món này vô cùng hiếm và cũng quá đỗi cầu kỳ, nhưng đã nếm được một lần chắc cả đời không bao giờ quên được bởi vị trám bùi ngậy sẽ lan tỏa tới từng tế bào sâu nhất của vị giác con người. Tới mạn Cao Bằng, Hà Giang cơ duyên đôi khi trao tặng khách lạ món ăn còn kỳ ảo hơn, đó là xôi trứng Kiến. Những tảng trứng được khai thác từ cánh rừng đại ngàn sau khi đã được làm sạch, hấp chín sẽ được bàn tay khéo léo trộn vào xôi mới đồ bằng chõ gỗ để dâng tặng cuộc đời một sản vật quý báu vô ngần. Tinh túy như dòng nước đầu nguồn, thơm ngát như hương men rượu miền cao, say lòng như nụ cười nàng sơn cước, món xôi trứng Kiến gần như đã đi vào huyền thoại, thúc dục biết bao chàng trai lặn lội tìm lên. Cũng ở vùng núi rừng này, món xôi ngũ sắc do các mế người Tày nấu ra cũng khiến khách phương xa ngẩn ngơ. Năm màu, mỗi màu chế từ một loại lá rừng khác nhau để ngâm gạo, xôi ngũ sắc là kết tinh của hơi thở núi rừng, là điều kỳ diệu nhất mà những bản làng miền cao dâng tặng khách phương xa để cái ân tình sẽ không bao giờ phai nhạt.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích