NIỀM VUI NGÀY MÙA

Chuyên mục

Niềm vui ngày mùa luôn là những ký ức đẹp khi người nông dân thu hoạch những trái bắp căng tròn, chắc mẩy sau những ngày tháng nhọc công vun xới. Đó còn là câu chuyện lý thú về hành trình của những hạt bắp đầu tiên đến được nước Nam cách đây hơn 400 năm.

Bắp là loại cây lương thực quen thuộc ở nước ta bởi không chỉ nhiều chất dinh dưỡng mà còn lại tốt cho sức khỏe. Cây bắp được gieo trồng và thu hoạch quanh năm vào những khoảng thời gian khác nhau tùy theo điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của mỗi vùng miền.

Theo sử sách ghi lại, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (một Sứ thần tài giỏi, mưu lược vào thời vua Lê – chúa Trịnh) chính là người đã có công lớn trong việc mang hạt bắp giống từ phương Bắc về nước Nam vào lần đi sứ vào năm 1597. Trong hành trình ấy, ông luôn để tâm tìm hiểu cách trồng trọt, chăn nuôi của người dân ở những nơi đi qua nhằm giúp cho dân mình khi trở về.

Những ngày bôn ba trên đất khách, đâu đâu ông cũng thấy một thứ cây với màu xanh ngắt. Nhờ lân la dò hỏi, ông mới biết thứ cây đó được gọi là ngọc mễ (gạo ngọc), ăn khá bùi lại to gấp nhiều lần hạt gạo, được hàng triệu người địa phương sử dụng thay cho gạo tẻ, nên tìm cách đưa về trồng. Đến kinh thành, sau khi yết kiến, ông được vua Minh Thần Tông mở yến tiệc thết đãi hậu hỉ. Thay vì thưởng thức sơn hào hải vị, ông ngỏ lời chỉ ăn duy nhất “ngọc mễ” với lý do quen dùng, đồng thời xin một ít để mang theo làm lương thực dọc đường. Vua Minh ngoài mặt tuy vui vẻ bằng lòng nhưng lại truyền lệnh cho binh lính nơi cửa ải Nam Quan lục soát kỹ lưỡng, không cho mang bất kỳ một hạt “ngọc mễ” nào ra khỏi biên giới lúc ông quay về.

Bắp Chắc Đều Một Màu Vàng Óng Mùa Thu Hoạch

Trước tình thế đó, Phùng Khắc Khoan đã bốc lại một nắm cho vào túi áo, số còn lại đành phải dỡ xuống khỏi xe theo lệnh của nhà vua truyền. Đến đoạn đường vắng vẻ, ông cho xe dừng lại và dặn dò đoàn tùy tùng: “ Đây là giống gạo quý, dễ trồng, thu hoạch cao, bằng mọi cách phải đưa về một ít để làm giống. Mỗi người phải mang cho được vài ba hạt”. Nhờ cao kiến của ông mà “ngọc mễ”  được mang về trồng ở nước Nam kể từ đó. Cũng chính ông là người đã truyền lại cặn kẽ cho dân chúng cách thức gieo trồng, chăm bón thứ cây “ngọc mễ” này. Vì giống cây mới được lấy từ nước Ngô , nên ông đặt tên là “cây ngô” như nhiều nơi ngày nay vẫn thường gọi.

Quả không sai khi ai đó ví von “vũ điệu gieo hạt” với hình ảnh kẻ đi trước cầm gậy soi lỗ để người đi sau tra hạt rồi dùng chân gạt đất phủ bên trên một cách thuần thục, nhịp nhàng. Vài ba tuần sau, hạt bắp nảy mầm với những chiếc lá non như thảm cỏ mượt mà để rồi mau chóng vươn lên thành những cánh đồng mát xanh. Những cây bắp xanh tươi phất phơ trong gió men theo con dốc, dọc theo sườn đồi, trải dài ven theo bãi bồi ven sông.

Mùa bắp trổ cờ, phấn từ cây này bay sang cây khác là chuyện thường tình. Cho nên nhiều loại bắp khác nhau trên trên cùng một cây hay những hạt bắp vàng, trắng, tím xen kẻ nhau như một tấm thổ cẩm sặc sỡ chính nhờ bàn tay sáng tạo của gió. Những lai ghép thú vị mà chẳng giống cây nào có được như vậy. Từ trong nách lá, từng trái bắp non nhú lên và lớn dần mỗi ngày trong ánh ban mai rực rỡ chẳng khác nào những đứa trẻ đang nghịch ngợm với trò trốn tìm. Khi hoa bắp bắt đầu xơ xác như cỏ may, thân cây ngả sang màu vàng, lá quắt lại rồi héo dần cũng là lúc những trái bắp căng tròn, chắc mẩy lộ ra chờ tay người hái.

Cho dù là miền cao hay đồng bằng thì những ngày thu hoạch bắp vẫn luôn tràn ngập niềm vui khi mọi thành viên trong gia đình đều có mặt trên cánh đồng từ sáng sớm. Mỗi người mỗi việc, từ bẻ bắp, đốn hạ thân cây cho đến thu gom, đóng bao, mang về nhà hoặc bán cho thương lái ngay tại chỗ. Trên đường làng rộn rã những tiếng cười nói, chuyện trò, thăm hỏi lẫn tiếng xe công nông xuôi ngược. Đâu đâu cũng chất đầy bắp từ góc nhà, trong sân ra đến tận ngõ một màu vàng óng ả, trù phú, ấm no. Những trái bắp chắc đều, già hạt nhất còn nguyên vỏ được treo lên để dành làm giống cho mùa sau. 

Sữa Bắp Nếp Thái Sơn Một Sản Phẩm Giàu Dinh Dưỡng Từ Bắp Tươi Vừa Thu Hoạch

Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người nông dân trong ngày thu hoạch như xua tan mọi vất vả, nhọc nhằn của vụ mùa đã qua. Đó còn là những bữa ăn thịnh soạn hơn với nhiều món ngon được chế biến từ bắp như: xôi bắp, bắp luộc, bắp nướng, chè bắp, sữa bắp… Bên bếp lửa bập bùng, niềm vui ngày mùa như còn đọng mãi để rồi tất cả trở nên những ký ức khó phai nơi tâm trí mỗi người dù có đi xa.

Bạn có thể thích