RA ĐI MUÔN NẺO ĐÓN XUÂN VỀ

Chuyên mục

Không biết từ bao giờ mà trong đời sống người Việt có một tục lệ thật đẹp: du xuân. Khi những đóa hoa đào, hoa mai cùng hé nụ chào đón ánh nắng mùa xuân, khi trên các nẻo đường nồng nàn mùi khói hương lan tỏa thì cũng là lúc các gia đình, bạn hữu cùng nhau đi tới những miền xa để tận hưởng niềm hạnh phúc của những ngày đầu năm mới. Tục ngữ xưa có câu: “Mùng 1 thì tết mẹ cha, mùng 2 tết bạn, mùng 3 tết thầy”, tết ở đây có nghĩa là tới thăm cha mẹ già, thầy cô giáo cũ, những con người đã hết lòng nuôi nấng, dậy dỗ và đùm bọc mình. Tục lệ ngày nay đã khác đi đôi chút, sau khi thăm viếng vấn an các bậc sinh thành, sau những giờ hội ngộ bằng hữu và trò chuyện cùng chén trà thơm, đĩa mứt ngọt, giới trẻ ngày nay chuộng hơn hết việc du xuân. Đi để cảm nhận được hết vẻ đẹp của đất trời, đi để thấy lòng tươi tắn lại sau những ngày làm việc, đi để thêm hiểu biết và thấy cuộc đời còn biết bao điều đáng để tận hưởng cùng nhau.

Sữa Bắp Thái Sơn_Món Ngon Ngày Tết - 02

Người có điều kiện đi xa sẽ chọn các quốc gia nào đó, gần thì đi Cambodia chiêm ngưỡng nụ cười Bayon huyền bí, hoặc tới Lào để ngắm những mái chùa vàng. Xa hơn đôi chút thì tới HongKong, Singapore; Malaysia… để thấy vẻ nhộn nhịp của những thành phố láng giềng năng động. Xa hơn là những quốc gia bên kia bán cầu, từ châu Âu cho tới Ai Cập, từ Hoa Kỳ cho tới Úc, nơi nào cũng chứa đầy vẻ đẹp của kiến trúc và có những kỳ quan thiên nhiên nhất định phải tới ít nhất 1 lần trong đời. Không đủ điều kiện và có ít thời gian thì cũng có sao đâu, quanh nơi mình sống luôn có sẵn các miền thắng tích. Người Nam kỳ lục tỉnh vào dịp này rộn ràng mướn xe chạy lên Sài Gòn ngắm phố phường hoa lệ, vô Chợ Lớn thử cho biết mấy món ngon bá cháy đã thành danh kiểu như mỳ vịt tiềm hay chân dê hầm thuốc bắc. Tiện đường, tiện xe vòng vèo tới các miệt Long Thành, Long Khánh thử nếm món bánh bao ăn cùng sữa bò, rồi xuôi Vũng Tàu hay Phan Thiết đón nắng về trên biển biếc, vui chân vào chơi mấy vườn nho nếm thứ mật ngọt ngào có cả hơi nắng bên trong. Ra vùng biển mới thấy trời đất thật bao la mà đồ ăn thức uống cũng phong phú không thua kém miệt vườn gạo trắng nước trong. Người thành phố dịp này cũng khoái chạy lên cao nguyên thử cưỡi voi đi tà tà quanh Buôn Đôn, dạo chơi trên cây cầu dây treo bắc ngang dòng Serepok rồi gật gù tấm tắc với món gà nướng mật ong trứ danh ở nơi thủ phủ cà phê. Mùa xuân ngày rộng tháng dài, nhân có sẵn xe, sẵn bạn hữu, các bạn trẻ thành phố lại rủ nhau tìm vui trong cái thú nghe tiếng cồng chiêng đại ngàn, hoặc trở về đồng bằng châu thổ để tận hưởng tiếng ca cải lương ngọt lừ và giòn tan tiếng búng ngón tay chóc chóc trên dòng sông Tiền, sông Hậu mênh mang. Chất phóng khoáng của miền Nam in rõ trong từng cách chơi, từ cách mời nhau cả cần xé trái cây cho tới cách uống ly xây chừng giữa những nhóm người mới quen, lần đầu tao ngộ. Đón xuân là phải vậy, vui hết mình và cũng bộc bạch hết mình mọi chuyện trong đời.

Sữa Bắp Thái Sơn – Ra Đi Muôn Nẻo Đón Xuân Về 02

Miền Trung và miền Bắc cũng không khác miền Nam là mấy ở cách du xuân. Sau những bữa cơm quây quần là mọi người sửa sang quần áo đẹp, lên đường với những bao lì xì hồng thắm chứa đồng tiền đẹp dành cho lũ trẻ thơ. Trên mọi nẻo đường dẫn tới các miền quê đang nở rộ hoa chào nắng xuân về, thật đẹp những vườn đào Nhật Tân ở Hà Nội, cũng thật tuyệt nếu được nắm tay người thương mến lang thang trong cánh rừng mận, lê nở trắng trời ở Mộc Châu hay cùng nhau chụp tấm ảnh đầu năm trên cánh đồng cải hoa vàng miền Kinh Bắc… Đi xa có cái thú của đi xa mà đi gần cũng có cái hay bởi quanh đó thể nào chẳng có nhà ai đó đang rộng mở. Về miền Kinh Bắc, du khách ngỡ ngàng trước cái bặt thiệp, cái cách giao du nơi miền quan họ. Tiếng hát mời trầu cất lên từ cửa khi ra chào khách, bữa cơm ngày Tết đầy đặn và chan chứa tình thân. Về đây ngày Tết nhất định không thể thiếu điệu quan họ lúng liếng, miếng trầu têm cánh phượng nồng cay. Cũng từ Bắc Ninh theo đường thiên lý, khách du hành lại được mở rộng tầm mắt với cung đường cheo leo lên các đỉnh núi Tây Thiên, Ba Vì, Tam Đảo, Mẫu Sơn… Những danh thắng đẹp như cổ tích, trên đó lồng lộng gió và vấn vít mây trời, đặt chân lên đỉnh non cao mới thấy hết cái hùng vĩ của những dải núi rừng nước Việt.

Nha Đam Thái Sơn – Ra Đi Muôn Nẻo Đón Xuân Về 03

Nhiều lắm những nẻo đường xuân. Chỉ nửa ngày đi đường là khách thành phố sẽ được đắm hồn vào nụ cười sơn cước, ngắm cánh hoa đào nở bung bên mái nhà sàn. Khắp một dải núi rừng, nơi sinh sống ngàn đời của các dân tộc anh em, chỗ nào cũng thoảng hương thơm của khói bếp, khói nhang hòa quyện, sặc sỡ sắc màu thổ cẩm và lanh canh tiếng dây chuyền bạc của các thiếu nữ theo nhau ra chợ đón xuân. Một buổi nào dừng bước lãng du, ghé vào chợ bên đường, nếm miếng bánh chưng của người bản địa, ăn bát thắng cố bên chàng H’Mông đang say sưa thổi khèn gọi bạn tình, lúc đó ta sẽ biết du xuân không chỉ là ngồi lên xe đi loanh quanh đâu đó. Du xuân để thưởng thức tiếng hát điệu múa miền cao, đi để được nghe vào lòng điệu nam bằng, nam ai ngọt ngào trên con thuyền bập bềnh trên dòng sông Hương, đi để được nghe câu hò sông Mã tuôn trào giữa đại ngàn Trường Sơn… Để rồi khi phải trở về với nhịp sống bình dị hàng ngày, lòng ta biết mùa xuân đã theo bước chân mình trở về ngôi nhà quen thuộc.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích