THƯƠNG SỢI MUỐNG XANH

Chuyên mục

Nói gì thì nói, chắc hẳn trên cả đất nước thân yêu này, quen thuộc vào bậc nhất của các bữa cơm nhà, dù gia cảnh giàu hay nghèo, sang cả hoặc bần hàn vẫn là rau muống. Thứ rau thật lạ, mọc cả trên đất và dưới nước, chẳng biết xuất hiện từ bao giờ nhưng đã nuôi dưỡng những kiếp nhân sinh dưới bầu trời nước Việt. Bởi mọc suốt quanh năm, khi tươi mơn mởn lúc mưa về nhiều, lúc cằn tới mức thân ngả màu xanh xẫm nếu gặp tiết trời khô hạn nhưng rau muống vẫn gắn bó với đời người suốt tứ thời xuân hạ thu đông.

Nói tới loài rau này, người yêu văn thơ hẳn nhớ tới những vần thơ tuyệt hay của thi sĩ Trần Huyền Trân, nhà thơ gắn bó với những ngõ nghèo của phố Khâm Thiên thời trước. Tới nay ông đã theo hạc về tiên cảnh từ lâu, nhưng niềm hoài niệm nhân gian trong thơ thì chẳng bao giờ mất

“Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng..”

Rau tần chưa hẳn đã là rau muống, nhưng Trần Huyền Trân vẫn dùng chữ đó để chỉ rau muống, loài rau mọc đầy dưới dòng sông mà mỗi sớm chiều người phụ nữ tần tảo bơi thuyền nhỏ ra hái để nuôi nấng chồng con. Biết bao thân phận đã được lớn khôn bởi những sợi dài sợi ngắn bình dị đó. Thời khốn khó xa xưa đã thế, thời yên ấm ngày nay thì rau muống cũng chẳng phụ người, bởi đã quá quen thuộc nên cứ vài ngày một lần, các gia đình Việt lại dùng rau muống để chế nên các món ăn đậm hồn quê Việt. Dễ nhất là luộc, nhưng luộc sao cho ngon thì các bà mẹ vẫn phải kỳ công dạy dỗ con gái, con dâu. Rau muống luộc đừng để sôi lâu quá, nước sôi khoảng 1 phút là phải vớt ra, cũng đừng gắp một lần bởi như vậy rau rối sợi. Người con dâu ý tứ xêu từng gắp rau nhỏ cho vô đĩa, có vậy lúc ăn mỗi người mới có thể thong thả nhấc lên từng sợi rau mềm xanh để thưởng thức vị thanh tao có ẩn chút ngọt ngào của loài rau quen thuộc. Mùa nóng, có gì tuyệt bằng món nước rau muống luộc dầm trái sấu, cũng có nhà thích dùng me hoặc cà chua để tạo ra thứ nước canh giải nhiệt cho lũ trẻ vốn ham chạy dưới nắng hè. Còn nếu không luộc thì nấu canh cũng thú vị, đơn giản nhất là rau muống nấu suông cùng cà chua, nêm chút bột gia vị, có điều kiện thì người mẹ, người chị sẽ nấu canh cua, rau muống khoai sọ, món ăn quen thuộc vùng quê Bắc Bộ. Rau muống còn để ăn cùng món vịt om sấu, lẩu chua cay, nhưng độc đáo vào bậc nhất phải kể tới canh rau muống nấu ghẹ rất quen thuộc ở miền biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Nêm chút mắm tôm, bột gia vị, món canh này bắt mồi và khiến thực khách đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên như chính ân tình người miền biển đối đãi khách phương xa.

Nha-Đam-Thái-Sơn-Thương-Sợi-Muống-Xanh_02

Buổi nào trời không quá nóng, người nội trợ sẽ nghĩ ngay tới món rau muống xào. Món này mang hương vị thật đặc trưng, chỉ cần bước qua cửa thôi đã nghe mùi xào thơm lừng lan khắp không gian. Người quen xào rau lúc còn tươi, người lại xào sau khi đã luộc sơ sơ cho mềm thân, kiểu cách gì thì cũng sẽ cho ra bàn ăn một đĩa rau thơm nức mũi, nhất là khi chế biến người làm bếp thả vô chảo những tép tỏi bóc vỏ đập dập. Mùi tỏi quyện cùng mùi vị rau cứ ngào ngạt tỏa khắp nhà, xúi giục những đứa nhỏ mải chơi chạy về mâm lăng xăng sắp đũa đợi cha mẹ bới cơm. Những mùa đông lạnh giá, có khi chỉ cần đĩa rau xào mà cũng đủ khơi gợi trọn vẹn niềm hạnh phúc sum vầy. Có thưởng thức món này khi ngoài trời đang mưa dầm gió bấc, có nhấp nháp cọng rau còn độ giòn và những tấm lá mềm cùng chén cơm nóng hổi mới thấy quý biết chừng nào những bữa ăn sum vầy đủ người thân.

Nha-Đam-Thái-Sơn-Thương-Sợi-Muống-Xanh-03

Từ rau muống người khéo tay còn chế ra thêm món nộm để đổi vị, cũng để niềm hạnh phúc sớm được trọn vẹn trong nhà. Có gì đâu món ăn của người nghèo nhưng chắc ai kia giàu cũng vẫn cứ thèm thuồng như thường khi nhắc đến. Rau muống trần sơ qua nước nóng già, đủ để mềm hơn nhưng không quá chín, trộn với hỗn hợp đường, mắm, nước cốt chanh hoặc dấm, thêm vài lát ớt cay và tất nhiên không thể thiếu lạc rang giã nhỏ, món này thật hợp cho các đức ông chồng khoái rủ bạn về nhà ngồi tán chuyện trời biển, cũng thật khoái khẩu cho các cô gái đang tuổi lớn thích đồ chua. Vốn người Việt từ xưa tới nay vẫn thích sáng tạo trong chế biến đồ ăn, các loại nộm (trong Nam kêu là gỏi) vốn đã quá ư đa dạng, từ su hào, đu đủ xanh, xoài xanh, bắp cải… đều có thể chế nộm, vậy rau muống làm món nộm giòn, chua cay mặn ngọn cùng hòa quyện thì cũng là lẽ tất nhiên.

Ngày nay đi trong phố không mấy khi bắt gặp cảnh những cô gái duyên dáng ngồi chẻ rau muống trước bậc thềm nhà, nhưng xưa kia hầu như sáng chủ nhật nào người thành phố cũng bận rộn với đủ loại việc nhà, trong đó có cảnh ngồi chẻ cọng rau sao cho thật mảnh mai, khi rơi xuống chậu nước sẽ xoăn lại, cuộn vào nhau như đám len xanh mơn mởn dễ thương. Từ những cọng rau chẻ này, thêm vài lá rau kinh giới hay rau húng, rau ngổ… mà người ta hoàn tất đủ nguyên liệu cho món canh riêu cua, món bún sườn bung hay bún ốc, toàn các món mà những người mẹ, người bà khéo tay làm cho con cháu trong ngày nghỉ. Rau muống có lẽ cũng như hạt gạo, như trái bắp, ngày nào con người cũng bắt gặp nên chẳng mấy coi trọng, nhưng hồ dễ có ai lại không nhớ tới cồn cào sau vài buổi thiếu vắng những món dân giã mà ngon lành ấy?

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích