BÓNG CỜ NGŨ SẮC ĐÓN XUÂN SANG

Chuyên mục

Những ngày Tết dù đã qua nhanh, cuộc sống lại vào guồng quay đều đặn như thường có, nhưng dư âm Tết, hương vị của mùa xuân sẽ còn lại lâu lắm với mỗi gia đình. Sau Tết là khoảng thời gian nô nức nhất của năm, bởi đây là thời gian người ta dành để cùng gia đình, bạn hữu tổ chức những chuyến du xuân đầy hương vị. Xa hay gần tùy theo điều kiện, tới chùa cầu an hay đơn giản chỉ là đi miền sơn cước ngắm hoa nở trong ánh nắng đầu năm, mỗi người sẽ tự đưa bước chân mình trong hành trình nhàn nhã, thong thả để tìm niềm vui chào năm mới. Tục lệ này có từ bao giờ chẳng ai biết, chỉ thấy trong tiềm thức người Việt, có lẽ ngàn đời trước các cụ đã có thói quen cùng bằng hữu du sơn ngoạn thủy rồi.

Lên chùa cầu an, tới đình dự hội, trên khắp dải đất Việt thân yêu nơi nào chẳng có những thắng cảnh hay di tích làm mê đắm lòng người. Từ địa đầu Móng Cái tới đất Mũi Cà Mau, cứ vào mùa xuân là dòng người trẩy hội lại theo nhau tìm về các thắng cảnh để thấy đời thật đẹp, cuộc sống còn biết bao thứ giá trị cần trân quý. Người thành phố ở miền Bắc rủ nhau lên Lạng Sơn để thăm động Tam Thanh lung linh kỳ ảo và nghe kể lại sự tích nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng. Hoa đào miền biên viễn cứ vào dịp này lại nở rộ, phô cùng trời đất sắc hồng tuyệt đẹp như màu môi thiếu nữ, càng đẹp hơn khi có dáng những nàng sơn cước đeo vòng bạc, xà tích bạc ríu ran trò chuyện dưới hoa. Lạc bước lên những dải núi Hoàng Su Phì, Hoàng Liên Sơn, cao nguyên đá Hà Giang, lữ khách mê mẩn trong cảnh sắc đẹp như tiên cảnh. Những bản làng có hàng tường xếp đá, những nếp nhà tường gỗ cổ xưa, nơi đó hoa đào rắc cánh hồng khắp lối đi và đàn trẻ nhỏ nô đùa đón khách. Trong những ngôi nhà ấy lúc nào cũng song sánh chén rượu men lá đón người ghé thăm, bất kể quen hay lạ, có bánh chưng, bánh tày, bánh giầy nướng trên than đỏ hồng, có những món đậm hương vị núi rừng khiến người đồng bằng phải tắc lưỡi ngẩn ngơ. Nếu muốn vui hơn thì ra chợ, những phiên chợ mùa xuân rộn rã sắc màu thổ cẩm, tưng bừng tiếng khèn gọi bạn tình và thơm nức mùi thắng cố quyện mùi hương rượu ngô lan tỏa không gian.

Sữa-Bắp-Thái-Sơn-Bóng-Cờ-Ngũ-Sắc-Đón-Xuân-Sang-02

Rồi những hội làng dưới đồng bằng, hội khắp 3 tháng mùa xuân nhưng vui nhất phải kể tới hội Lim ở Bắc Ninh, ở đó điệu quan họ luyến láy cứ ngân mãi trong lòng dù chỉ ghé thăm trong chốc lát. Vui chơi hội, bước chân người sẽ theo nhau tìm về chùa Hương Tích, lên đỉnh núi thiêng Yên Tử để nghe lại thần tích về vua Trần Nhân Tông xuất gia làm Phật Hoàng… Có đất nước nào như đất Việt, mỗi nơi lại gắn bó với một sự tích kỳ ảo, vừa mang màu sắc thần linh, vừa gắn bó cùng cõi thực. Rồi hội Gióng kể về buổi sơ khai của dân tộc, hội đình Chèm tái diễn lại sự tích của nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, ông Lý Ông Trọng đã hóa thần. Xuôi dần vào tới miền Trung, hội xuân lại nhuốm thêm sắc màu của nghề sông nước nên xuất hiện thêm các vị thần biển, thần sông. Những điệu múa, điệu hát ví dặm, hò khoan đất Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình nhắc nhớ con người về công đức các bậc tiền nhân đã mở mang bờ cõi, dạy con cháu nghề đi biển để ngày nay một vùng nước xanh bao bọc đất nước no ấm, bình an. Trong kinh thành Huế, sắc màu mùa xuân càng đậm nét hơn với biết bao nhiêu ngôi chùa mở rộng đại môn, thắp nhang đèn suốt ngày đêm đón khách thập phương tới cầu bình an hạnh phúc, rồi Hoàng Thành và các lăng tẩm mở cửa tự do để người người được thỏa thích tham quan. Trên Kỳ đài, lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió lộng như vẫy chào, như mời gọi khách du xuân. Dòng sông Hương mùa này thật đẹp, nước lặng xanh và ngược xuôi những ghe thuyền, trên đó réo rắt điệu Nam bằng, Nam ai vừa luyến thương, vừa ai oán, vừa gợi tình xuân làm nên một sắc thái rất riêng chỉ cố đô này có được. Cũng mùa xuân ấy, cửa biển kề bên đô thị cổ Hội An cũng bừng lên sức sống mùa xuân với hàng trăm, hàng nghìn hàng quán mở cửa chào khách phương xa. Từ ngày làn sóng du lịch tràn về làm biến đổi đô thị cổ trầm lặng ngày xưa, nơi này bỗng trở thành trung tâm du lịch của vùng, thu hút hàng vạn bước chân đến từ 4 phương trời.

Người phương Nam thì ưa đón xuân ở nơi có cảnh sắc tươi đẹp, nơi có thắng tích thờ thần linh và cũng thích ra với biển để thỏa sức nếm món ngon trong ngày xuân năm mới. Đi vía Bà ở Châu Đốc rồi chạy thuyền trên dòng sông Hậu nghe 6 câu vọng cổ thấy đời đẹp làm sao. Các bạn trẻ cũng tầm này sẽ rủ nhau lên Đà Lạt ngắm phượng tím, mimosa, cẩm tú cầu rồi vào rừng nghe tiếng thông reo bên hồ Tuyền Lâm. Cũng nhiều người thích đi xa hơn, tới đồi cát vàng Phan Thiết để trượt cát trong tiếng reo hò, nhào vào ngọn sóng xanh ngắt để nếm vị mặn mòi tinh khôi của đại dương sóng vỗ… Biết bao nhiêu cung đường đang chào đón, vô vàn niềm hạnh phúc đầu năm đang đợi để làm tươi mới tâm hồn mỗi người trong những ngày xuân, khi bóng cờ ngũ sắc cùng tiếng trống hội lay động lòng người.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích