ĐÔI ĐŨA MỘC MẠC TÌNH QUÊ

Chuyên mục

Đã là người Việt thì từ làng quê cho đến phố thị, có mấy ai lại chưa từng biết đến những đôi đũa tre mộc mạc, thân thương. Đôi đũa tre dường như đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam bên cạnh chiếc nón lá bài thơ, tà áo dài duyên dáng hay món canh chua, cá kho tộ…

Việt Nam vốn là nước nông nghiệp với lương thực chính là lúa gạo cùng nguồn thủy hải sản dồi dào quanh năm. Bữa ăn của người Việt có hạt cơm dẻo thơm, có sợi rau dài, có miếng cá trơn mềm nên chúng ta dùng đũa chứ không dùng tay hay dao, dĩa. Khắp ba miền đều có những nét văn hóa ẩm thực độc đáo, riêng biệt nhưng có một điểm chung là đều sử dụng đũa. Trong khi người phương Tây lúc ăn phải dùng một bộ đồ ăn gồm dao, thìa, nĩa… mỗi thứ thực hiện một chức năng riêng biệt, thì người Việt  chỉ dùng một đôi đũa nhưng sử dụng một cách tổng hợp và cực kỳ linh hoạt với hàng loạt chức năng khác nhau: gắp, xé, và, dầm, trộn, vét… Đôi đũa mộc còn làm bữa cơm như ngon hơn bởi hương thơm tự nhiên thoang thoảng trong đó. Và một miếng cơm trắng tinh, nóng hổi vào miệng trong khi hương thơm của gạo cùng hương đũa mộc ứa ra, quện chặt với nhau sẽ khiến cho ta cảm nhận trọn vẹn hơn mùi vị từ hương đồng, gió nội quê mình.

Hai chiếc đũa  được dùng thành cặp, một chiếc làm trụ trong khi chiếc còn lại di chuyển để gắp thức ăn. Điều này phản ánh sự tinh thông về âm dương tương ứng với các yếu tố chủ động và thụ động, hình thành khái niệm về một tổng thể vận động không ngừng. Hình dáng phổ biến của đôi đũa thường là một đầu tròn và một đầu vuông, tượng trưng cho trời và đất. Những ngón tay đặt ở giữa tượng trưng cho con người được nuôi dưỡng bởi trời và đất. Bởi tượng trưng cho sự hòa hợp của trời và đất nên đôi đũa được xem là điềm lành và thường được gói kèm vào của hồi môn để chúc phúc cho đôi lứa trong ngày thành hôn.

Sữa Bắp Thái Sơn – Đôi Đũa Trong Văn Hóa Ẩm Thực Việt-02

Lần đầu tiên được cầm đôi đũa là ngày khá trọng đại với bất cứ một đứa trẻ nào. Bởi chỉ người lớn mới đủ khéo léo để điều khiển đôi đũa một cách nhanh nhẹn, nhịp nhàng và thuần thục.  Đó không đơn giản là việc thay đổi dụng cụ ăn uống mà thiêng liêng hơn, những đứa trẻ đã trở thành “người lớn” trong mắt của mẹ cha. Rồi cũng từ chính những  đôi đũa tre mộc mạc ấy, chúng ta đã đón nhận những bài học làm người, cách đối nhân, xử thế. Đôi tay nhỏ xíu chưa đủ “khôn” để cầm đũa đúng cách, mẹ cha ân cần chỉ bảo cách gắp thức ăn mà không làm vung vãi, cách so đũa sao cho không lệch…Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho đều nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch…

Sữa Bắp Thái Sơn – Đôi Đũa Trong Văn Hóa Ẩm Thực Việt-03

Không chỉ là vật dụng trong mỗi bữa ăn, đôi đũa còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về tình cảm cũng như tinh thần của người Việt. Đầu tiên là tình cảm lứa đôi, vì đũa chỉ làm trọn nhiệm vụ khi có cặp có đôi, cũng như nên duyên người cần có đôi có cặp. Kế đó là tình gia đình, đôi đũa không chỉ dùng gắp thức ăn cho mình mà còn gắp thức ăn mời người thân, điều đó hoàn toàn hiếm gặp trong văn hóa phương Tây. Trước khi ăn cơm, con cháu còn phải so đũa cho cả nhà, lễ phép kính cẩn đưa người lớn tuổi trước. Trong bữa ăn, việc ai gắp trước, gắp sau cũng được ngầm quy định rõ ràng, theo tôn ti trật tự, thể hiện tính văn hóa nhân văn rõ nét.

Sau tất cả, đôi đũa quen thuộc tới mức trở thành hình ảnh ẩn dụ cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Làm bất cứ việc gì cũng phải  “đến đầu đến đũa”, chọn bạn đời thì nên chọn người phù hợp chứ đừng “đũa mốc mà chòi mâm son” để rồi giống như “đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Đánh giá, nhìn nhận một con người, một hiện tượng phải bao quát chứ đừng “vơ đũa cả nắm”… Hay trong các câu chuyện kể Việt Nam, không thiếu những câu chuyện gắn liền với đũa. Mà nổi bật nhất là câu chuyện “bó đũa” mà người cha đã răn dạy cùng các con của mình về sự đoàn kết, yêu thương trong gia đình. Để rồi mỗi ngày khi bưng trên tay chén cơm đầy cùng đôi đũa mộc mạc, thân quen ta sẽ nhận ra mình nên làm gì trong bổn phận và trách nhiệm của mỗi con người khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất dấu yêu này.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích