Mãi đến ngày nay, các món ăn ngày Tết ở Nam Bộ như vẫn còn dấu ấn của một thời khai hoang, mở cõi từ những lưu dân đầu tiên đặt chân đến đây. Tất cả được sáng tạo từ các nguyên liệu dễ tìm hoặc sẵn có với cách nấu nướng đơn giản, nhanh chóng.
Chẳng biết tự bao giờ đòn bánh tét lại luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người Nam Bộ. Có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi của bánh. Người thì cho rằng lúc đầu có tên là bánh Tết, loại bánh được gói để cúng ông bà trong những ngày Tết, theo thời gian bị đọc trại thành bánh tét. Người khác lại giải thích tên gọi xuất phát từ việc phải tét những lớp lá bên ngoài ra mới có thể ăn được bánh. Bánh Tét là một biến thể của bánh chưng, cũng với lớp nếp bên ngoài, nhân bên trong có đậu và thịt mỡ. Bánh được gói dài hình trụ, cột chung từng cặp chứ không vuông vức và đơn lẻ từng chiếc như bánh chưng. Bánh có nhiều loại nhân như: đậu mặn, đậu ngọt, nhân chuối, thập cẩm hoặc bánh chay không nhân. Mỗi loại mang hương vị thơm khác nhau. Trong những ngày Tết, bất kể gia đình nào cũng có nồi thịt kho để ăn dần từ những ngày giáp Tết cho đến khi chợ búa mua bán trở lại. Thịt ba rọi ngon được xắt từng miếng vuông cỡ 3 ngón tay, ướp gia vị kho chung với hột vịt đã được luộc chín, bóc vỏ cùng nước dừa tươi và một ít nước mắm. Nước dừa sẽ giúp cho món ăn có màu vàng cánh gián khá bắt mắt cùng hương vị ngọt thanh. Thịt kho hột vịt thường ăn kèm với dưa cải chua hoặc rau sống mới cảm nhận hết sự hào sảng, nồng ấm của cái Tết ở phương Nam.Món canh khổ qua dồn thịt cũng là một món ăn truyền thống trong những ngày đầu năm. Từng trái khổ qua được lấy hết phần ruột, rửa sạch, rồi dồn thịt mỡ xay trộn nấm mèo, bún tàu, gia vị. Canh khổ qua ngon là khi kết hợp được vị đắng của khổ qua, vị ngọt của thịt, vị béo của mỡ, chút dai dai từ nấm mèo. Tất cả hòa quyện nên một hương vị hấp dẫn, khó quên.Theo quan niệm của người dân Nam bộ, khi dùng món canh này, mọi khó nhọc, vất vã cũng sẽ qua đi đồng thời mang đến niềm hy vọng về một năm mới suôn sẻ, thuận lợi.
Nếu miền Bắc có dưa hành, miền Trung có dưa món thì ở miền Nam cũng có dưa kiệu. Còn gọi theo cách bình dân của người miệt sông nước thì đó chính là món củ kiệu – tôm khô. Mà phải là loại kiệu Huế củ nhỏ, lúc làm tuy cực nhưng lúc ăn thì ngon khỏi phải bàn. Kiệu có thể ăn kèm với bánh tét, thịt kho, thịt luộc, cuốn bánh tráng hay lạp xưởng tươi. Thậm chí chỉ cần một dĩa củ kiệu – tôm khô cũng đủ cho cánh đàn ông lai rai tới bến. Đó là nhờ cái mặn mòi của tôm khô hòa quyện với vị chua ngọt, dòn dai của những củ kiệu trắng nõn. Ngày Tết ở Nam Bộ còn có món bánh tráng cuốn. Đây là món tiện lợi, nhanh gọn, dễ ăn khi ai nấy đã ngán những món dư chất béo, nhiều chất đạm, nhà nào cũng có sẵn xấp bánh tráng trong bếp để lúc cần thì lấy mà dùng. Kiếm ít rau sống, rau thơm ngoài vườn rồi cuốn chung với thứ gì cũng được. Từ tôm chua, thịt luộc, nem chả, cá mắm… Chỉ chừng đó thôi cũng xong một bữa thanh đạm, lạ miệng. Ngoài ra tùy theo điều kiện và sở thích mà mỗi gia đình còn chuẩn bị thêm lạp xưởng, giò chả, dưa tai heo, khô mắm, mớ cá đồng, gà vịt… để khi cần là có thể mang ra chế biến đãi khách.
Theo thời gian với sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền đã ít nhiều làm thay đổi thói quen ẩm thực của người dân miệt này. Tuy nhiên vẫn còn đâu đó một phong cách dân dã, phóng khoáng, giản đơn, không cầu kỳ trong những món ăn truyền thống nơi vùng đất phương Nam mỗi độ Xuân về.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2021 THAI SON FOODS, all rights reserved.