Đành rằng kỷ niệm xưa bao giờ cũng đẹp, nhưng có lúc nào lòng người bỗng chợt nhận ra trong đời mình đã để lại phía sau biết bao điều thân thương. Không cứ gì người lớn tuổi đã trải qua nhiều thập kỷ đổi thay, ngay cả người trẻ bây giờ khi nhìn lại những tháng năm đã trôi qua đôi khi cũng chợt thấy có quá nhiều điều tốt đẹp cần gìn giữ. Mà một trong những điều khiến con người thường hoài niệm nhất, đó chính là một mái ấm đủ đầy, nơi đó có nụ cười, tiếng trẻ và những bữa cơm sum họp sớm chiều.
Dù ở nông thôn hay thành thị, hoặc ai đó đã từng sinh sống nơi quê nhà nhưng theo dòng chảy cuộc đời mà lập nghiệp nơi xa nào khác, có ai mà chẳng thương chẳng nhớ những bữa cơm đầm ấm với người thân. Càng trưởng thành, con người càng hay hoài niệm tới thời thơ ấu, được sống trong mái nhà bình yên, được đắm mình vào tình thương vô bờ bến của đấng sinh thành và được nuôi dưỡng bằng những bữa cơm gia đình mang nặng hương vị quê nhà. Đất nước Việt Nam từ Bắc tới Nam mỗi nơi một vẻ, mỗi miền lại có phong tục tập quán riêng, nhưng có một điều không bao giờ khác biệt, đó là những bữa cơm của mẹ dọn cho cả nhà, của vợ làm cho chồng con, những bữa ăn dung dị ngày nào cũng có.
Chắc chắn đó không phải là bữa tiệc mâm cao cỗ đầy vẫn thường hiện hữu trong nhà hàng, khách sạn ngày nay. Khắp mọi miền đất nước đều có chung phong cách ẩm thực xưa, đó là dùng các nguyên liệu tươi ngon của vùng để chế nên món ăn mang hồn phách Việt. Như lời văn Vũ Bằng đã miêu tả thật sống động trong “Thương nhớ mười hai”, người Việt ăn mùa nào thức ấy, từ mớ rau, con cá, miếng thịt… qua bàn tay tần tảo của người phụ nữ đã hóa thân thành miếng ngon để sau hàng chục năm lòng người xa xứ vẫn chẳng thể nào quên. Tục lệ nghìn năm của dân tộc đã tạo ra thói quen đi chợ hàng ngày của người phụ nữ Việt, đi thật sớm để mua được mớ rau tươi xanh nhất, mớ tôm tươi rói hay con cá vừa được đánh bắt từ dòng sông ven làng. Gia vị quen thuộc là tương mắm, món ăn hàng ngày là rau luộc, rau xào, thịt cá kho, canh rau củ, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng chất chứa cả một trời thương yêu. Mà có cần gì đâu những thứ cao sang, chỉ vài thứ nguyên liệu quen thuộc mà mỗi bữa cơm đều chứa đựng biết bao triết lý thầm lặng. Xét kỹ ra, món ngon quê Việt từ ngàn đời nay luôn hướng tới nét hài hòa, từ cân bằng nóng lạnh của gia vị khi phối cùng nguyên liệu cho tới sự phong phú của món ăn.
Điều này thể hiện trong ca dao, tục ngữ, càng dễ nhận thấy trong các bữa cơm gia đình trên khắp mọi miền. Đã xào thịt thì phải có các loại rau chế cùng, đã có đồ nướng thì phải bổ sung vị dịu mát bằng rau thơm ăn sống. Có thể nào tưởng được một bữa ăn mà lại toàn đồ nướng hoặc chiên theo lối công nghiệp bây giờ? Bàn tay khéo léo của bà, của mẹ, của người chị chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà có thể lo được cơm dẻo canh ngọt, có món khai vị như chút lạc rang mặn, có món chính như cá rán sốt cà chua thơm ngát vị thì là, thịt kho nước dừa ngọt ngào, tôm rang lá chanh đầy quyến rũ… Triết lý về âm dương ngũ hành được bộc lộ qua việc chế biến tuy đơn giản nhưng đầy đủ gia vị, vừa kích thích khẩu vị, vừa giúp cơ thể khỏe hơn. Mỗi miền một phong cách, người Bắc chuộng tương, cà, lạc, người miền Trung thích ớt tỏi và các loại lá rau thơm, còn miền Nam hào phóng càng phong phú các loại rau hay gia vị vốn có nhiều ngoài ruộng đồng kênh rạch. Có gì thú bằng món cà dầm tương ăn cùng rau muống xanh ngắt vào mùa hè trong phố Hà Nội, cũng khó có thể bỏ qua món kho quẹt đầy dân giã ở miền Nam, chỉ chút mắm, chút thịt, nước tương… mà đã nuôi dưỡng biết bao thân phận trên miền Nam thương nhớ. Kể sao cho xiết các món, có lẽ số lượng lên tới hàng nghìn, hàng vạn món ăn mang hồn Việt trên khắp nơi, nhưng tựu trung lại đều chế từ sản vật bình dị chốn quê nhà.
Bữa cơm không chỉ để ăn no, với mỗi gia đình đây còn là thời khắc hạnh phúc nhất khi cha mẹ cùng hỏi han lũ trẻ về chuyện học bài, là lúc xoa dịu mọi âu lo đời thường, để lại ngoài cánh cửa những phiền nhiễu trong cuộc đời ngày càng bận rộn. Có ai trong vòng xoay cuộc sống chợt nhớ đã bao lâu mình chưa được quây quần cùng người thân bên mâm cơm gia đình. Cũng đã có ai từng nghĩ những mối quan hệ phóng khoáng bên ngoài có bao giờ thay thế được cho sự quan tâm ân cần của người thân yêu nhất? Nhất là vào ngày Tết, thời khắc của đoàn viên sum họp, thời gian để người đi xa trở về cùng nhau thắp nén nhang thơm ngát dâng lên tổ tiên lòng thành kính tri ân, những bữa cơm khi đó thật sự là kết tinh của tình thương của mỗi gia đình.
Mâm cơm ngày Tết, chỉ mấy từ đó thôi mà chứa đựng biết bao điều. Những tình cảm ông bà cha mẹ dành cho con cháu, niềm hiếu thảo từ con cháu dành tặng đấng sinh thành được thể hiện trong ngày này, qua những món quà nhỏ và nhất là bằng món ăn được chế biến thật công phu. Đành rằng vẫn là bánh chưng miền Bắc hay bánh tét miền Nam, nhưng ở mỗi nơi lại thêm các món ăn cổ truyền chứa đựng trọn vẹn tinh hoa văn hóa. Canh măng mọc, giò lụa, thịt đông mang hương vị Hà Nội, các món Huế cầu kỳ nhiều màu sắc, các món Sài Gòn chân chất mà thơm ngát mùi nắng gió phương Nam và pha trộn thêm phong cách các miền hội tụ về. Trong nắng ấm mùa xuân, sắc mai đào lại phô phang để lòng người thêm tươi thắm, sắc đỏ của phong bao lì xì tô điểm vào nụ cười trẻ thơ để cùng tạo thêm vẻ tưng bừng ngày Tết. Kể sao cho xiết các ý nghĩa của những bữa cơm khởi đầu cho một năm mới trên khắp đất nước Việt Nam, để sau này dù đi tới góc bể chân trời, lòng người Việt luôn đau đáu nhớ thương về những hương vị thuần khiết dưới mái ngôi nhà Việt.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.