Trong suốt những ngày dài đằng đẵng của đời người, Tết chắc chắn là khoảng thời gian được mong chờ nhất và cũng để hồi tưởng nhiều nhất. Khi vòng quay của trời đất dần chạm tới khoảnh khắc giao thừa để chuyển tiếp giữa Đông và Xuân, khi tờ lịch mỏng manh báo hiệu năm mới đã về, ấy là lúc mỗi gia đình lại bận bịu cho mâm cỗ. Không chỉ là mâm cơm để gia đình quây quần chào đón năm mới, trong tâm thức Việt, đó còn là món ăn tinh khiết, ngon lành dâng tới tổ tiên, Trời Đất, các chư vị thần linh tuy trong cõi vô hình nhưng cũng thật gần gũi với đời sống con người. Mỗi miền một tập tục, mỗi nơi có một phong cách ẩm thực riêng, nhưng tất cả đều có điểm chung, đó là sửa soạn mâm cỗ sao cho ngon lành và đẹp nhất có thể. Miền Bắc và Trung đón Xuân về trong làn gió lạnh có hoa đào hé nở như những đốm lửa hồng tươi, miền Nam nắng vàng rực rỡ đón Xuân với hoa mai, vì đặc thù khí hậu mà cũng sinh ra các món ăn độc đáo.
Bánh chưng miền Bắc, bánh tét miền Nam, điều này là lẽ tất nhiên, nhưng ít người biết là trên miền Tây Bắc, người Tày, Nùng khi đón Tết cũng làm những chiếc bánh chưng dài gần giống đòn bánh tét và họ gọi đó là bánh chưng gù. Hình dáng ngộ nghĩnh, màu sắc càng tuyệt nếu được gói bằng hạt gạo cẩm có màu tím ngắt, đẹp như sắc hoa violet báo xuân về. Trên mâm cơm ngày Tết miền Bắc tất nhiên chẳng thể thiếu đĩa nem rán thơm phức, sắc vàng sậm óng ánh mời gọi, rồi đĩa giò xào, giò lụa cắt 6 miếng đều tăm tắp. Phong tục xưa đòi hỏi mâm cỗ phải có 6 bát, 6 đĩa, ngày nay thì đã giản tiện hơn nhưng cũng không thể thiếu bát canh măng hầm chân giò, màu măng nâu óng ả thật bắt mắt, rồi những món su hào, bông cải xào cùng bóng bì, điểm thêm vài cánh nấm mộc nhĩ và carot đỏ hồng, tất cả sắc màu ấy hòa quyện cùng nhau để tạo thành bản tổng phổ đầy quyến rũ. Một chút tươi mát từ đĩa hành muối trắng xanh mịn màng, một chút mặn mòi thơm phức từ khoanh cá kho đã chín nục bởi được kho trên lửa nhỏ suốt nửa ngày, thậm chí kho cả ngày cả đêm như tục lệ xưa. Khi nén hương trầm được thắp lên, tỏa vào không gian mùi thơm ngát, cũng là lúc các món ăn được chuẩn bị cầu kỳ được dâng lên bàn thờ để mời ông bà tổ tiên, thần linh về chứng giám. Dù theo tôn giáo nào thì lòng người cũng biết ơn trời đất đã trao cho con người những vật phẩm để nuôi sống muôn loài, bởi vậy món ăn đầu năm luôn được chuẩn bị với lòng thành kính nhất.
Món Bắc, nhất là Hà Nội đã cầu kỳ, nhưng trong miền Trung và nhất là ở Huế, món ăn ngày Tết còn cầu kỳ hơn nữa. Không chỉ là nhiều món mà còn đẹp về hình thức cắt tỉa rau củ và tỷ mẩn trong cách bài trí mâm cơm. Thịt gà, thịt heo, cá, tôm, chim bồ câu.. mỗi món đều được chế biến theo từng cách khác nhau và sắp đặt trên những loại chén, đĩa men lam cổ kính vốn cả năm chỉ dùng vào dịp lễ trọng. Rồi các loại bánh mà có lẽ chỉ người Huế mới đọc được hết tên và thành phần, các loại chè nước, các món mứt và đồ khô ăn chơi… Nếu sắp đặt đủ các món theo lối Huế xưa, một mâm cỗ ấy sẽ không khác gì các bữa ngự yến vốn được thượng thiện phòng chuẩn bị cho vua chúa triều Nguyễn xưa.
Miền Nam vốn hào sảng, phóng khoáng và cũng chuộng những làn sóng văn hóa mới mẻ nên ngày Tết càng thể hiện rõ tính cách ấy của con người. Dạo một vòng từ Nam Trung bộ về tới Nam kỳ lục tỉnh rồi trở lên Sài Gòn, khách lãng du thích thú nhận thấy có lẽ của ngon vật lạ khắp thế giời đều tụ về đây trong những ngày tưng bừng đón Tết. Dưới bờ kè, nơi ghe thuyền cập bến tưng bừng sắc màu của cây trái và hoa. Trong các gia đình thơm nức các mùi hương của những món ăn khoái khẩu, từ vị cay nồng của các món cari cho tới hương của các món lẩu, từ mùi cá kho tộ quyến rũ cho tới hương vị của các món chiên xào. Bàn thờ gia đình ngày Tết miền Nam tất nhiên có đĩa trái cây được lựa theo âm “Cầu vừa đủ xài” tức 4 loại quả Mãng cầu – Dừa – Đu đủ – Xoài hoặc nhiều loại trái cây hơn tùy thích, rồi bánh tét, chả giò, các loại chả lụa, chả quế… thuần Việt. Thêm vào đó là phong vị lạ của cari bò, cari dê, tôm chiên tỏi, tôm khìa nước dừa, cá hấp xì dầu, khổ qua nhồi thịt, các loại nem, tré… vốn rất được ưa thích theo tâm tính người ở đất phương Nam. Trong sắc nắng vàng tươi, kề bên những tấm giấy điều viết các chữ mang ý nghĩa cát tường, ông bà cha mẹ sẽ phát lì xì cho đàn trẻ để thấy chúng được hân hoan bên mâm cơm nhiều màu sắc, ngày Tết hẳn đáng để lòng người mong ngóng suốt cả năm dài.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.