Giữa trăm ngàn món ngon quê Việt, thật khó để bình bầu ra một món gì có thể coi là tiêu biểu cho vùng miền, bởi dù ở Hà Nội người ta chuộng và tôn thờ phở bò thì vẫn hiện hữu hàng trăm món tương đồng, nào bún thang, bún riêu cua, miến gà, bánh đa tôm… Người trong Nam quen với hủ tiếu cho bữa sáng nhưng vẫn khoái cơm tấm sườn bì, bánh mì ốp la, mì vịt tiềm… Khu vực miền Trung dù không phong phú bằng hai đầu Nam Bắc nhưng độ ngon của món ăn địa phương thì cũng chẳng hề thua kém, nói ra chắc hẳn ai cũng bắt thèm dù đã được nếm hay chưa. Bún bò Huế thơm ngon cay xé lưỡi mà càng nếm húp càng ham, bún chả cá thu ngọt ngào hương vị biển, rồi cao lầu mang âm hưởng của thời giao thoa văn hóa xa xưa… Nhưng nếu phải chọn cho hợp lý hợp tình và chỉ riêng cho Quảng Nam, dải đất nắng gió mà hữu tình thì chắc hẳn ai cũng đồng tình mà bầu cho mì Quảng danh xưng đệ nhất món ngon bữa sáng.
Khắp một dải miền Trung đâu cũng có mì Quảng, nhưng hẳn nhiên phải tới các thị trấn, thành phố như đô thị cổ Hội An, thành phố Tam Kỳ, huyện Duy Xuyên… mới tìm thấy đúng gốc món ăn huyền thoại. Đặc biệt nhất là ở Hội An, nơi mỗi tháng lại mọc ra thêm hàng chục nhà hàng, khách sạn, nơi hội tụ đủ mọi phong cách ẩm thực thế giới nhưng món mì vẫn cứ gắn bó mật thiết với người dân. Không phải vì các loại spaghetti hay sushi đang nở rộ, cũng không vì khách du lịch nói đủ mọi ngôn ngữ đang hiện hữu mà mì Quảng bị đẩy lui khỏi khu đô thị cổ kính này. Trong các hẻm nhỏ, trên vỉa hè, dưới mái ngói phủ rêu, bên bức tường đậm màu thời gian, những tiệm lớn hay gánh hàng nhỏ nào cũng sẵn sàng phục vụ thực khách món ăn truyền thống mì Quảng cùng với cao lầu, hoành thánh, bộ ba món ăn tạo nên phong cách ẩm thực lừng lẫy nơi phố Hội.
Sợi mì dai, mập, vàng xuộm như màu những cọng rơm bắt nắng trên cánh đồng Cẩm Nam, vài lát thịt xá xíu thơm phức bởi đã được nấu chín cùng ngũ vị hương, những con tôm mập đỏ au màu nắng gió, trứng cút trắng phau, những cọng rau xanh và giá trụng lót dưới đáy tô, chỉ vậy thôi nhưng tạo thành một bản tổng phổ tuyệt vời của màu sắc và hương vị. Cái làm nên sự nổi tiếng của món ăn này phải kể tới loại nước dùng hay còn gọi là nước kho chế từ nước hầm xương, nêm ớt, tỏi, hành tím, bột điều, bột nghệ, bột gia vị, dầu ăn, nước mắm… theo công thức mà có lẽ chỉ người gốc Quảng mới có thể nắm vững. Rất khác với phở hay hủ tiếu được chan nước dùng đầy tô, mì Quảng chỉ cho một chút nước dùng sệt, khi ăn người ta lấy đũa đảo đều để cái mặn mòi ngon ngọt, cái vị cay dịu, cái vị thơm của hành tím và tỏi bằm nhuyễn được thấm đều tới từng sợi mì vàng. Mà trước đó còn phải dùng tay bẻ vụn miếng bánh tráng rắc đều lên mặt tô để khi ăn còn cảm thấy từng miếng bánh tráng giòn vụn tan trong miệng, đưa cảm xúc thăng hoa với những hương vị lan tỏa trong miệng. Ăn món này thường một tô chẳng thể đủ cho bữa sáng nếu đó là người lớn bình thường, do đó đôi khi các vị khách cứ nhấm nháp thật chậm rãi từng sợi mì để khi hết lại kêu thêm tô nữa.
Ở đây người địa phương thường khởi đầu ngày mới bằng mì Quảng, còn với khách du lịch thì bất kể giờ giấc, sáng trưa chiều lúc nào cũng có thể tìm tới tiệm ăn để thưởng thức hương vị miền Trung. Giữa hàng nghìn nhà hàng, quán ăn trong và ngoài khu phố cổ, người sành ăn vẫn cứ phải tìm tới bằng được tiệm Trung Bắc, nơi đã gắn bó cùng món ăn này từ hàng chục năm và dù thời cuộc có đổi thay thế nào thì họ vẫn cứ giữ nguyên không gian xưa cũ để bán hàng. Thay đổi một chút phong cách thì tìm lên các thuyền nổi trên sông Hoài, ngồi trên boong tàu nhìn hai bên lung linh ánh đèn lồng, ngắm những dòng hoa đăng được thả trên mặt sông êm ả, hít thở bầu không khí mát lành thổi từ bờ biển vào, khi đó thưởng thức mì Quảng cùng các món ăn đậm chất miền Trung thì quả thật không còn thú nào sánh bằng. Ăn một tô mì để thấy cả một trời yêu thương tràn vào trong lòng, để càng thấy cuộc đời này còn nhiều điều đáng bỏ công mà tận hưởng.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.