THƯƠNG NHỚ MIỀN TÂY

Chuyên mục

Có khi nào trên bước lãng du từ Sài Gòn hoa lệ cho tới miệt vườn xa ngái, lữ khách bỗng hân hoan nhận ra có biết bao điều dung dị mà đầy thương mến đang chào đón. Miền đất của kênh rạch và vườn cây trái, vùng đất phương Nam ngập nắng gió và trù phú những làng ấp rợp mát bóng cây, ở đó có những bà má quấn khăn rằn, có người em gái dáng mềm trong tà áo bà ba, có những chiếc xuồng ba lá len lỏi theo dòng nước. Đặc thù của vùng đất còn in dấu bước chân người “mang gươm đi mở cõi” vốn nhiều sản vật, lòng người lại rộng rãi nên nẻo đường nào cũng hứa hẹn những bữa ăn vừa thịnh soạn, vừa mang đậm chất khẩn hoang.

Chỉ có ở đây mới có hình ảnh tưởng như cổ tích, tiện tay vào vườn hái xuống mấy loại trái mà cũng có thể thả cửa chiêu đãi khách tới nhà, ra kênh thả lưới vài chục phút mà đã đủ cá tôm để chủ khách cùng vui trong buổi chiều vàng ánh hoàng hôn. Xưa cố nhạc sĩ Thanh Tùng đã từng kể lại kỷ niệm về cái ngày sau giải phóng, ông cùng đoàn văn nghệ xuống miệt vườn, chủ nhà luộc rổ trứng vịt lộn, cả đoàn bu vào ăn no căng, tới khi ngẩng đầu mới ngỡ ngàng bởi hóa ra đó chỉ là chút mồi khai vị, còn món chính là cả cần xé tôm, cá ông chủ mới vớt dưới đìa còn tươi rói thì không ai còn bụng nào để ăn. Cái tình bao dung, cái chất hào sảng Nam bộ thể hiện trong đạo đãi khách, trong cả sự phong phú của sản vật trên miền đất phù sa.

Nha-Đam-Thái-Sơn-Thương-Nhớ-Miền-Tây-02

Chỉ có ở đây, tiện tay bứt đọt xoài non, lượm khóm lục bình, ngắt chòm bông điên điển quanh nhà là cũng có thể làm thành món gỏi hay cho vào lẩu. Mùa nước nổi, khi nước nổi theo dòng Mekong tràn về phủ khắp dải miền Tây, cũng là lúc các bà nội trợ hào hứng mua mớ cá linh mang về làm lẩu mắm, đúc trứng chiên để ông xã nhậu cùng bằng hữu. Cũng là lúc điên điển nở vàng rực suốt dọc bờ kênh, là lúc bông súng trổ đọt dài lê thê, khi vớt lên cần quấn cả chục vòng mới vừa tay ôm. Đâu cần xa xôi gì, chỉ về tới miệt Đồng Tháp, Gò Công lữ khách đã có thể thưởng thức các món ăn đậm chất khẩn hoang đó. Tập tục bao đời để lại khiến nơi này sinh ra các món chuột đồng nướng lu, cá lóc nướng trui trên rơm, rắn hổ ngựa um nước dừa tuyệt ngon. Chưa kể tới các món quen thuộc như cá lóc kho tộ, canh chua cá hú, khổ qua nhồi thịt… vốn mùa nào cũng sẵn sàng dưới các mái nhà Nam Bộ. Về miền Tây phải canh chừng, mùa nào thức ấy, có lúc con còng ngậm phù sa mà thịt thơm ngon hơn hẳn, cũng có lúc bầy vịt chạy đàn nhờ ăn lượm lặt lúa rơi vãi mà béo khừ, đó mới là lúc để chân chính tận hưởng tình đãi khách của người Nam Bộ.

Nhưng thú vị nhất có lẽ vẫn là những buổi khề khà cùng bằng hữu trong mái chòi bên đầm sen bát ngát, nhất là những đầm sen Đồng Tháp, ở đó tha hồ thưởng thức các món nướng. Từ tôm, cá, chuột đồng, rắn nước…, và món nào cũng có thể cuốn bằng đọt sen non. Lá sen tưởng đắng nhưng hóa ra ngọt ngào khó tả, xen lẫn vị chát, bùi, đắng dịu khiến từng miếng ăn đều lưu lại dư vị không gì sánh bằng. Thói quen của người miền Nam vốn thích các kiểu cuốn, trộn lẫn các loại rau tươi cùng chút bún trắng để đưa đẩy câu chuyện bên ly rượu đế nồng cay. Chua như trái bần, đắng như lá sầu đâu người ở đây còn chế biến thành món ăn khoái khẩu, huống chi ngon lành như hạt sen non nướng, miếng khô cá sặc, cá lóc nướng chín tươm mỡ thơm lừng xé sợi trộn xoài xanh chấm cùng mắm me chua ngọt. Những bữa nhậu thân tình như thế đâu cũng có thể gặp được ở miền Nam, nơi lòng người phóng khoáng như đất trời và tình bằng hữu dễ gặp nhau như cảnh đám lục bình cùng nương nhau trôi xuôi theo dòng nước.

Sữa Bắp Nếp Thái Sơn_Thương Nhớ Miền Tây_03

Mà đã nhắc tới dòng nước miên man chảy xuôi, không thể bỏ qua cái thú được ngồi sát nhau trên những chiếc ghe đậu nơi chợ nổi Phụng Hiệp; Cái Răng… Ghe thương hồ tứ xứ tụ về, cùng quần tụ làm nên cảnh trên bến dưới thuyền đầy bản sắc. Ghe thuyền nào thì xưa kia cũng sẵn chiếc cà rằng. Chiếc bếp bằng đất nung, đun than củi nay đã gần như biến mất khỏi đời sống hiện đại, nhưng xưa kia đã làm nên cái chất đầy lãng tử của một đời khách thường hồ. Người từ miệt Cà Mau tìm lên, kẻ từ An Giang, Hậu Giang xuôi lại, mỗi ghe thuyền một loại sản vật để mua bán trao đổi, chỉ vài câu gợi ý đã có thể kề sát nhau, nổi lửa nấu với nhau một bữa ăn chung. Trên trời mây trắng bay lồng lộng, dưới mặt nước dăm ba người mới quen cùng nướng cá, nấu tô canh chua, rót ly rượu đế để hàn huyên, khi đã no bụng sẽ cùng búng ngón tay giòn tan để ca chung câu vọng cổ. Đời sông nước ở những chợ nổi này muôn hình muôn vẻ, có đủ từ ly café, tô hủ tiếu cho tới các vật dụng hàng ngày, bởi đó mà miếng ăn cũng phong phú và ngon lành như chính đời sống của đất phương Nam lộng gió. Một ngày được nếm ly rượu thắm tình bằng hữu, một bữa cơm được húp tô canh chua nấu đủ các loại rau nhút, đậu bắp, ngò, hành, ớt, cà chua, kỷ niệm đó sẽ đi vào lòng khách viễn du không thể nào phai nhạt, trở thành niềm hoài niệm với tình người, tình đất phương Nam.

Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2018 THAI SON FOODS, all rights reserved.

Bạn có thể thích