Từ bao đời nay, trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán luôn là niềm mong đợi, là thời gian thích hợp trong năm để mọi người quay về với gia đình để cùng sum họp, đoàn viên… Với nhiều người, việc về quê đón Tết khá đơn giản nhưng cũng có không ít người thì đó là cả một ước mơ. Từ những tất bật công ăn, việc làm khó thu xếp được thời gian cho đến tấm vé tàu, xe tăng gấp đôi ba lần trong những ngày giáp Tết. Đó còn vì đồng lương eo hẹp chẳng dành dụm đủ để mua phần quà, tấm áo cho người mẹ già cùng đàn em thơ ở quê nhà đang mong ngóng.
Có những ước mơ từ nửa vòng trái đất của các cụ ông, cụ bà muốn được về quê đón Tết nhưng sức khỏe lại không cho phép. Để rồi mới thấy ta thật may mắn và hạnh phúc khi có thể về quê đón Tết bên cạnh những người thân yêu. Ngày Tết là thời gian thuận tiện để ai nấy nhìn lại quá khứ, trân trọng những gì đã qua đồng thời cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới. Đó là điều đã trở thành truyền thống, là nét đẹp văn hóa của người dân Việt. Người trong một nhà, dù có mâu thuẫn, bất hòa thì khi Tết đến cũng dẹp qua một bên mà mở lòng ra để không khí gia đình được thuận hòa, vui vẻ.
Còn gì vui hơn được đi chợ quê những ngày giáp Tết. Nơi mà những ngày này đủ loại hàng hoá cứ tràn lan trên những con đường dẫn vào chợ. Tất cả những gì cần cho những ngày Tết đi một vòng chợ đều có đủ: thịt cá, trái cây, hoa quả, bánh mứt… Có những cửa hiệu hàng hoá chất ngất, người mua đông vô kể nhưng cũng không thiếu những tấm bạt nhựa khiêm tốn bên lề với mớ rau, nải chuối, con gà hay chục trứng… từ những thứ cây nhà, lá vườn. Kẻ bán người mua bỗng thấy thân thiện, cởi mở khác hẳn ngày thường. Đây đó râm ran tiếng rao hàng lảnh lót, tiếng kỳ kèo bớt một thêm hai. Là tiếng nói cười, tay bắt mặt mừng của những người quen gặp nhau giữa chợ.
Ngày cuối cùng của năm cũ là ngày khá bận bịu khi ai cũng muốn làm cho xong mọi thứ trước lúc giao thừa. Phụ nữ chăm lo bếp núc, làm mâm cơm cho kịp giờ cúng ông bà. Cánh đàn ông thì trang hoàng bàn thờ với cành mai nở đều, nhiều nụ cùng mâm ngũ quả tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc. Trước mái hiên cũng bừng sáng sắc xuân với những tấm liễn mực tàu trên giấy điều đỏ rực, với những chậu cúc vàng tươi xếp đều theo hàng cột.
Đêm ba mươi, người lớn ngồi trò chuyện bên tách trà còn đám con nít xúm xích vây quanh bên bếp lửa bập bùng chờ bánh chín và đợi đón giao thừa. Trong cái không khí se lạnh cuối năm những làn hương thơm lừng toả ra từ những đòn bánh chín như phả vào lòng người hơi ấm ngày xuân. Bánh chín vừa kịp thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Sáng mùng 1 đất trời như mở hội chào đón tân niên. Làng trên xóm dưới trai gái, già trẻ hoan hỉ đón xuân sang. Ngày đầu năm, nhà nào cũng chọn người hợp tuổi, có vận may để nhờ xông đất lấy hên. Trẻ con mặc quần áo mới chúc Tết ông bà để được lì xì.
Tết không chỉ là dịp sum vầy bên gia đình, người thân mà còn là cơ hội để ta sẻ chia, giúp đỡ cùng những mảnh đời vẫn còn khốn khó, bất hạnh. Dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý, đáng trân trọng bởi ông bà xưa vẫn luôn nói rằng mình “của cho không bằng cách cho”. Chỉ mong sao ai cũng có được một mùa Xuân yên vui, đầm ấm. Giữa một cuộc sống bận rộn, hối hả hôm nay nhiều lúc người ta cứ mải mê tìm kiếm những điều lớn lao, cao vời mà quên mất rằng hạnh phúc có khi đơn giản là được cùng gia đình chờ mong giây phút giao thừa. Từ bao đời và cho đến mãi về sau, Tết để yêu thương, để đoàn viên và sum họp:
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi.
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam.
Dù đi đâu ai cũng nhớ.
Về chung vui bên gia đình.
Những bài viết không thể bỏ qua về chủ đề MÓN NGON QUÊ VIỆT
® Bản quyền thuộc về THÁI SƠN
© Copyright 2020 THAI SON FOODS, all rights reserved.